Trong 6 tháng đầu năm nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã ghi nhận 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó có 8 đợt trên diện rộng.
Sáng 13/7, tại tỉnh Lào Cai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
(Ảnh minh họa) |
Với khoảng 10.600.000 người thuộc 30 dân tộc anh em sinh sống; sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt trên địa hình, núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt, địa chất phức tạp, nhiều sông, suối; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt với mùa đông nhiệt độ xuống thấp.
Vào mùa mưa khu vực này tập trung hơn 80% lượng mưa, vì vậy thường xuyên xảy ra băng giá, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, dông lốc, sét, động đất, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khu khai thác khoáng sản, đường giao thông... được xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, song cũng đã và đang gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Trong 6 tháng đầu năm nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã ghi nhận 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó có 8 đợt trên diện rộng. Đặc biệt mưa đá xuất hiện ngay trong đêm Giao thừa và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán - đây là hiện tượng thời tiết dị thường rất hiếm gặp. Ngoài ra còn có 2 trận lũ quét, sạt lở đất và 12 trận động đất. Trong đó, có trận động đất xảy ra lúc 13h12' trưa 16/6/2020, với độ lớn 4,9 độ rích te - cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 4 tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Tính đến ngày 9/7, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 căn nhà bị sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; khoảng 10.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính về kinh tế 610 tỷ đồng./.
Minh Long/VOV.VN
https://vov.vn/tin-24h/phong-chong-thien-tai-cuoi-nam-tai-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-1070048.vov