Sau gần 2 năm thực hiện phong trào phòng, chống rác thải nhựa (RTN), các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực. Để tiếp tục phát triển phong trào, các cấp, ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện thêm nhiều giải pháp để phong trào đi vào chiều sâu.
Sau hơn 6 tháng kể từ khi thực hiện mô hình “Khu dân cư hạn chế sử dụng, tiến tới nói không với bao bì nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, người dân khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã dần quen với việc đổ rác đúng giờ, dùng xô đựng rác thay cho túi nilon, sử dụng túi thân thiện với môi trường và tích cực vệ sinh khu vực công cộng … khiến không khí, quang cảnh quanh khu phố trong lành, thoáng đãng. Những hành vi và thói quen của hơn 1.000 người dân nơi đây đang dần được thay đổi để chung tay “chống rác thải nhựa”. Bà Ngô Mai Trâm, người dân khối Cửa Nam chia sẻ: “Việc phòng chống rác thải nhựa là tốt cho chính mình, cho môi trường chung và giúp tăng thêm tình đoàn kết của bà con trong khu phố nên chúng tôi đều rất sẵn sàng ủng hộ bằng những hành động, việc làm của mình.”
Đoàn viên thanh niên huyện Đình Lập thu gom rác thải nhựa trên địa bàn
Phong trào “Chống rác thải nhựa” là một phong trào lớn, được UBND tỉnh Lạng Sơn phát động từ cuối năm 2018. Trong thời gian đầu thực hiện, phong trào được tập trung thực hiện ở bề nổi với các hoạt động như: diễu hành tuyên truyền; phát tờ rơi có nội dung về tác hại của rác thải nhựa với môi trường; treo băng-rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan… để tạo hiệu ứng và khí thế trong các cơ quan, đơn vị, cấp Hội, Đoàn thanh niên… Anh Lăng Văn Chí, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Để thực hiện phong trào, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai ở các cấp bộ đoàn toàn tỉnh. Thời gian đầu, chúng tôi tập trung tuyên truyền với nhiều hình thức như: sinh hoạt, tọa đàm, giao lưu, trò chơi, tuyên truyền miệng; qua diễu hành vận động bảo vệ môi trường; qua các cuộc thi tìm hiểu, thi vẽ tranh, thời trang… Đồng thời, phát động nhiều chiến dịch hành động trong đoàn viên thanh niên các cấp như: chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh; triển khai mô hình xây dựng công trình thanh niên từ gạch sinh thái Ecobrick… thu hút hàng trăm ngàn lượt đoàn viên thanh niên tham gia.
Trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, phong trào “Phòng chống rác thải nhựa” của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào chiều sâu, được đông đảo công chức, viên chức, người lao động tích cực thực hiện. Đơn cử, thời gian gần đây, một số cơ quan nhà nước, sở, ngành… đã sử dụng chai, cốc thủy tinh thường xuyên thay thế chai nhựa, cốc nhựa đựng nước; một số phường, xã, khu phố tại thành phố Lạng Sơn qua tuyên truyền, vận động đã được phát và sử dụng túi thân thiện với môi trường, bước đầu thay đổi hành vi và thói quen…
Phong trào cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức đoàn thể. Đơn cử như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường khi đi chợ như làn tre, túi giấy, túi vải… với các chủ đề “Trồng cây lấy lá sử dụng thay túi ni lông”, “Chi hội phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”… thu hút gần 40.000 lượt hội viên tham dự. Hay mặt trận Tổ quốc các cấp, bên cạnh nhiều hoạt động để hưởng ứng phong trào ở các cấp còn xây dựng, thí điểm thực hiện các mô hình, như mới đây nhất chính là mô hình “Khu dân cư hạn chế sử dụng, tiến tới nói không với bao bì nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” thí điểm tại khu dân cư khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn…
Để có được những kết quả trên, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) – với vai trò chủ trì đã triển khai nhiều hoạt động để phát triển phong trào rộng khắp. Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) cho biết: Đối với phong trào “Chống rác thải nhựa”, chúng tôi xác định đây là một hoạt động lớn, phải thực hiện thường xuyên, trong thời gian dài. Ngoài các hoạt động bề nổi như tuyên truyền, cổ động, phong trào phải đi vào thực chất, có chiều sâu để tạo nhận thức, hành vi và hình thành thói quen trong quần chúng Nhân dân. Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, chi cục sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị tăng cường vận động người dân hình thành thói quen mua sắm, bán hàng bằng giỏ, túi làm bằng nguyên liệu hữu cơ; khuyến khích các đơn vị phân loại rác tại nguồn, sử dụng túi thân thiện với môi trường; tích cực nhân rộng các mô hình hay về phòng, chống rác thải nhựa trong cộng đồng…
Hy vọng rằng, với những kết quả đã đạt được, cùng sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành và cộng đồng, thời gian tới, phong trào phòng, chống rác thải nhựa sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân góp phần thiết thực vào công tác bảo vệ môi trường
ĐẶNG DŨNG/baolangson