Để không còn những “nút cổ chai” trong giao thông đô thị

Thứ 3, 24.11.2020 | 08:24:38
539 lượt xem

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) được đưa vào khai thác cách đây 2 tuần khiến cho Ngã Tư Sở thành thế “nút cổ chai”, đã tắc lại càng tắc hơn.

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) được đưa vào khai thác cách đây 2 tuần với kỳ vọng giải quyết ùn tắc trên đoạn đường Trường Chinh nói riêng và Ngã Tư Sở nói chung. Tuy nhiên, sau khi thông xe, tuyến đường chỉ phát huy được phần nào trong việc giảm lưu lượng toàn tuyến nhưng lại khiến cho Ngã Tư Sở thành thế “nút cổ chai”, đã tắc lại càng tắc hơn, gây nhiều bất tiện cho người dân sinh sống ở đây. Vậy cần làm gì để không còn những “nút cổ chai” như vậy?

Tắc đường do nút cổ chai.

Từ nhiều năm nay, người dân Hà Nội vẫn hay gọi đoạn đường Ngã Tư Sở là “ngã tư khổ” bởi đây là đoạn đường thường xuyên xảy ra tắc đường nhất là vào giờ cao điểm và ngày mưa. Những tưởng tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở) được đưa vào khai thác sẽ làm giảm ùn tắc trên đoạn đường Trường Chinh, tuy nhiên, sau khi thông tuyến, đường Trường Chinh trên cao dù giảm được lưu lượng giao thông cho làn đượng bên dưới lại gây ùn ứ nghiêm trọng tại ngã tư, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của những người dân sống gần đó như bà Phạm Thị Nga - hộ kinh doanh trên đường Trường Chinh.

 “Cho cháu đi học không dám đi xe, đi bộ từ đây sang đường, bây giờ đi xe phải vòng một vòng mới cho nó sang bên đường đi học, rất bất tiện, đường vòng quá sâu. Dân làng Khương Thượng bây giờ muốn đi chợ phải vòng tít lên trên kia, không còn một đường nào nữa. Mà có xe máy cũng không đi được, hôm nào tắc đường vòng như thế thì chết", bà Nga nói.

“Chưa làm thì không tắc, làm rồi lại tắc hơn”, đó là chia sẻ của ông Lã Ngọc Châm sống tại số nhà 321 đường Trường Chinh, Hà Nội. Mong muốn của ông và những người dân sống quanh khu vực là: đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở cần phải đồng bộ toàn tuyến nhanh hơn để bà con không còn khổ vì tắc đường. “Bà con đi trên đường người ta rất phàn nàn, chưa làm thì không tắc làm rồi còn tắc hơn. Thiết kế đường dẫn này là thiết kế sai bởi vì tầm xuống ngay chỗ đợi đèn xanh đèn đỏ thì làm gì chả tắc”.

“Nhiều khi phải đi đường vòng để đến cơ quan” là chia sẻ của anh Phong sống tại Đống Đa, Hà Nội. Theo anh Phong phương án tổ chức giao thông này chưa phát huy được hiệu quả, xe vẫn dồn ứ nghiêm trọng tại ngã tư.

“Nhà mình gần khoảng 4-5km, tắc đường thì mất khoảng 25-30 phút. Bây giờ mình đi làm cơ quan ở đây nhưng phải vòng xuống kia lại là đoạn tắc nhiều, lại chờ bao lâu để qua ngã tư này, những hôm trời mưa thì tắc lâu lắm, hầu như cả khu phố này, tắc cả cây số, khó đi lắm, cho nên nhiều khi phải đi đường vòng”.

Lẽ ra trong thiết kế, ngay từ đầu, các chuyên gia đã có thể phần nào hình dung được nguy cơ ùn tắc. Cứ tưởng tượng: nút giao Ngã Tư Sở vốn đã quá tải vì lưu lượng xe, thêm một đường trên cao đổ xuống sẽ giống như một cái tâm chứa các dòng nước đổ về, trong khi vẫn  thoát theo năng lực thông hành như trước đây thì tắc đường là việc đương nhiên.

TS Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội khoa học cầu đường Việt Nam nhận định: Giải pháp được đưa ra là phân lại luồng, phân lại các dòng xe cũng như thời lượng của các pha đèn sao cho phù hợp tình thế giao thông ở đó, tiến tới giảm ách tắc giao thông. Đồng thời, cũng cần có cảnh báo từ xa với các dòng xe tiến tới đó về nguy cơ ùn tắc giao thông, để người tham gia giao thông chọn các con đường khác để đi. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt vì theo thời gian, lưu lượng xe qua khu vực này cũng sẽ thay đổi. 

Còn theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia: tình trạng ùn tắc này không chỉ do ý thức của người tham gia giao thông mà nguyên nhân phần nhiều do quy hoạch giao thông. Theo ông, quy hoạch giao thông cần có tầm nhìn toàn diện, chiến lược, vì vậy cần phải có một bộ phận nghiên cứu để quy hoạch, thiết kế lại các vấn đề giao thông và giảm tránh ùn tắc.

Về lâu dài, TS Khương Kim Tạo cho rằng: vẫn phải phát triển mạnh mẽ các phương tiện vận tải hành khách công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân. Trong khi chờ đợi phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng, các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ để mô phỏng được toàn bộ hoạt động của giao thông thành phố, nắm được khả năng giải quyết ùn tắc tại các nút giao thông hay những điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc.

Trong điều kiện Việt Nam hiện tại, nếu việc mô phỏng đó để xác định được đúng đến có 90% cũng là quá tốt việc tốt rồi để chúng ta có thể hình dung được vấn đề ùn tắc giao thông trong tương lai khi mà chúng ta triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.”

Ách tắc giao thông ở đoạn xuống Ngã Tư Sở chỉ là một trong những ví dụ về thực trạng thiếu đồng bộ trong hạ tầng giao thông và xây dựng hạ tầng chưa hợp lý. Quy hoạch giao thông cần có tầm nhìn toàn diện trong quần thể đô thị để tính toán kĩ lượng thông hành của toàn bộ hệ thống chứ  không phải chỉ quy hoạch tại một nút hay một đoạn đường ngắn. Khi đó sẽ bớt đi những “nút cổ chai” hay”giao thông vón cục” như hiện nay./.


Mỹ Hà- Gia Linh/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/de-khong-con-nhung-nut-co-chai-trong-giao-thong-do-thi-819450.vov

  • Từ khóa