Sau gần 3 năm triển khai, xe đạp công cộng trở thành điểm nhấn cần tiếp tục lan tỏa góp phần xây dựng giao thông xanh tại TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong. Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi lít xăng khi sử dụng cho ô tô và xe máy sẽ thải ra hơn 2kg khí CO2 .Nếu mỗi người dân giảm sử dụng 1 lít xăng/tuần thì sẽ “cứu” thành phố thoát khỏi khoảng 20.000 tấn khí thải. Khi người dân đưa vào sử dụng xe đạp công cộng trở thành thói quen phổ biến thì sẽ giảm rất lớn số khí thải phát ra gây ô nhiễm môi trường thành phố.
Người trẻ ở TP Hồ Chí Minh thích trải nghiệm dịch vụ thuê xe đạp công cộng. |
Ông Phạm Vương Bảo, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh thông tin, mô hình thí điểm cho thuê xe đạp công cộng được Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh thí điểm từ tháng 12-2021. Mô hình này được thiết lập 43 trạm và gần 400 xe đạp công cộng, thu hút trung bình mỗi ngày 700 người đăng ký mới. Dịch vụ này đã đáp ứng được nhu cầu đi lại bằng xe đạp của người dân và khách du lịch. Sau gần 3 năm hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng có khoảng 800.000 tài khoản đăng ký với hơn 600.000 chuyến đi, trung bình khoảng 600 chuyến/ngày. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, từ đầu năm đến tháng 8-2024, số người sử dụng phương tiện xe đạp của các dịch vụ này giảm khá nhiều so với các năm trước.
Vấn đề chi phí thuê xe cũng trở thành một trong những vướng mắc cho việc hưởng ứng đi xe đạp công cộng. Được biết, chi phí thuê xe đạp khoảng 10.000 đồng cho giờ đầu và 3.000 đồng cho mỗi 15 phút sau đó. Ở nơi không có trạm xe đạp, người thuê phải gửi xe lại cơ quan trong suốt nhiều giờ cho tới khi tan làm mới sử dụng đến, nên chi phí có thể lên đến 100.000 đồng cho một lần thuê. Từ những lý do trên, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn tự sắm xe đạp cá nhân, về lâu dài chi phí mua vừa rẻ hơn thuê, vừa không mất thời gian cài đặt, sử dụng ứng dụng thuê xe...
Anh Phan Văn Đức (sinh năm 1988, ngụ ở TP Thủ Đức) nhận định: “Người dân sử dụng xe đạp công cộng thường vì tò mò hoặc là du khách muốn đạp xe vãn cảnh thành phố. Để mô hình này lan tỏa, được người dân hưởng ứng rộng rãi, các nhà cung ứng dịch vụ xe đạp đường phố cần đề xuất thành phố phân làn đường dành riêng cho xe đạp như ở một số quốc gia châu Âu, tạo sự an tâm, an toàn cho người dân khi di chuyển trên đường với quá nhiều phương tiện ô tô, xe máy".
Một vấn đề đặt ra là, trước đây, dịch vụ xe đạp công cộng được TP Hồ Chí Minh hỗ trợ không thu phí vỉa hè ở các trạm xe, tuy nhiên trong tương lai gần, khi thành phố áp dụng chủ trương thu phí vỉa hè đối với các trạm xe đạp sẽ nảy sinh rào cản và khó khăn mới đối với loại hình dịch vụ này. Chưa kể phí duy trì, bảo dưỡng, vận hành vẫn đang là gánh nặng mà xe đạp công cộng chưa tháo gỡ được. Trước những khó khăn trên, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị chủ đầu tư dịch vụ xe đạp công cộng) nhận định: “Cần có chính sách ưu đãi dành cho xe đạp công cộng, giá của phương tiện này không thể như những xe dịch vụ công cộng đơn thuần, mà phải bảo đảm giá rẻ như chúng tôi đã đặt ra. Đặc biệt, quy mô dịch vụ này cần được mở rộng ra các quận, huyện lân cận. Như vậy mới khuyến khích được người dân tham gia sử dụng xe đạp công cộng ngày một nhiều hơn, góp phần phát triển môi trường xanh cho thành phố”.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-them-chinh-sach-ho-tro-xe-dap-cong-cong-804385