Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em UNICEF cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ giải trình khi để xảy ra các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em.
Theo một báo cáo của UNICEF, có đến 68% trẻ em từ 1-14 tuổi phải chịu những hình thức kỷ luật bạo lực, trong đó có 2,1% chịu các hình thức bạo lực nghiêm trọng. Thực tế, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em, nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại, bạo hành trẻ em để lại tổn thương vô cùng nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề bạo hành trẻ em.
PV: Thưa bà, trong thời gian qua, dù có nhiều nỗ lực, nhưng những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn xảy ra tại nhiều nơi, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên?
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình về bảo vệ trẻ em Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Bà Lê Hồng Loan: Bạo lực, xâm hại trẻ em đang xảy ra trên toàn cầu, các quốc gia cam kết thực hiện quyền quốc tế về trẻ em, nhưng thực tế dù có nhiều nỗ lực, bạo hành trẻ em vẫn đang xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó, có những bậc phụ huynh chưa ý thức được đánh trẻ là một hình thức bạo hành, mà coi đây như một biện pháp giáo dục. Đáng buồn, thủ phạm lại thường là những người trong gia đình, nuôi dưỡng trẻ, rất ít trẻ em bị xâm hại tình dục, đánh đập bởi người lạ.
Bên cạnh đó, quan niệm về trọng nam khinh nữ cũng tiềm ẩn nguy cơ xâm hại trẻ em, đặc biệt với trẻ em gái. Các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% phụ nữ đã kết hôn bị bạo hành. Sống trong môi trường có bạo lực nói chung hay bạo lực gia đình, trẻ sẽ có xu hướng học theo những hành vi đó, dùng bạo lực để giải quyết các xung đột.
Hiện nay, khi mạng xã hội phát triển nhanh chóng. Internet là tiện ích hỗ trợ đắc lực cho việc học tập, giải trí, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại với trẻ. Khi truy cập vào mạng internet, trẻ em có nguy cơ phải đối mặt với bắt nạt trên mạng, xâm hại tình dục, bạo lực... Nhiều kẻ xấu đã sử dụng mạng internet để gạ gẫm, xâm hại trẻ em, đề nghị các em chia sẻ các hình ảnh nhạy cảm, chúng thu giữ những hình ảnh này để tống tiền hoặc chuyển từ xâm hại trực tuyến sang xâm hại trực tiếp.
Nhiều cha mẹ chưa hiểu hết về những nguy cơ xâm hại, do đó chưa có biện pháp bảo vệ tốt con em khỏi những nguy hiểm từ môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội vẫn cho rằng, bảo vệ trẻ em là việc của cá nhân. Có nhiều trường hợp trẻ em bị đánh đập dẫn đến tử vong, chắc chắn hàng xóm, hay những người trong gia đình phải biết, nhưng vẫn nghĩ đó là việc riêng nên không khai báo cơ quan công an kịp thời. Quan trọng hơn là chính bản thân các em cũng không biết đến quyền của mình để tự bảo vệ bản thân khi xảy ra những trường hợp xấu.
PV: Có thể thấy, nhiều trẻ em chưa đủ tuổi theo quy định nhưng vẫn phải đi làm thuê, lao động kiếm sống, vậy tình trạng lao động trẻ em có tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị xâm hại, bạo hành nhiều hơn không, thưa bà?
Bà Lê Hồng Loan: Dù Việt Nam đã tăng cường hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em, nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng. Đơn cử như Luật hiện nay quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, nên những em ở tuổi 17, hoặc dưới 18 chưa được bảo vệ một cách đầy đủ, điều này cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại.
Theo báo cáo của thế giới về lao động trẻ em lần đầu tiên được công bố năm 2012, có khoảng 9,6% trẻ em Việt Nam phải lao động sớm trong các khu vực phi chính thức như nông nghiệp, tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình, làng nghề... Vấn đề thực hiện luật về lao động trẻ em, điều kiện lao động không đảm bảo dẫn đến những lao động trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại cao hơn.
Đặc biệt, tình trạng bạo hành, sử dụng lao động trẻ em trái phép xảy ra tại các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình một cách kín đáo, nên nhiều người chưa biết hoặc cho rằng đó là chuyện cá nhân nên chưa quan tâm.
PV: Việt Nam có hàng chục cơ quan, tổ chức về bảo vệ trẻ em, nhưng những vụ việc đáng tiếc vẫn xảy ra, bà có bình luận gì về vấn đề này?
Bà Lê Hồng Loan: Phần lớn các xã đã cử người làm công tác bảo vệ trẻ em, đã có mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, đây là công việc rất phức tạp, bên cạnh đội ngũ bán chuyên nghiệp, những người không được đào tạo chuyên sâu, cần có thêm những người có kiến thức về phát triển tâm lý trẻ em, can thiệp ra sao cho hiệu quả.
Tất cả các nước trên thế giới, nhân viên làm công tác xã hội về trẻ em đóng vai trò xương sống, đây là đội ngũ hỗ trợ trong việc tiếp nhận, lên kế hoạch can thiệp chuyên nghiệp hóa, hiệu quả hơn.
Như vậy, Việt Nam cần tăng cường nguồn lực, đội ngũ chuyên nghiệp về bảo vệ trẻ em ở cấp tỉnh, huyện để xử lý những ca xâm hại, bạo hành trẻ phức tạp.
Ngoài ra, do nguồn lực hạn chế, không có ngân sách ổn định cho công tác bảo vệ trẻ em thường xuyên, nên các dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng chưa được quy định rõ ràng. Hiện nay chưa có quy định dịch vụ nào bắt buộc phải cung cấp trong hoàn cảnh trẻ bị bạo hành, xâm hại, hay những tham vấn hỗ trợ dịch vụ thiết yếu, quy định về thu thập các chứng cứ pháp y.
Ngoài ra, việc phối hợp liên ngành cũng rất quan trọng, từ khi phát hiện ra các vụ xâm hại, bạo hành đến khâu đánh giá, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ điều tra, truy tố, xét xử. Tại các nước, có quy định rất rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền của từng ngành và quy trình các bước cụ thể khi xảy ra các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em, nhân viên công tác xã hội là người điều phối các dịch vụ đó.
PV: Theo bà, để xảy ra các vụ về bạo hành, xâm hại trẻ em, trách nhiệm thuộc về ai?
Bà Lê Hồng Loan: Tại Việt Nam, chúng tôi vẫn khyến nghị giải trình và trách nhiệm giải trình là rất quan trọng. Chúng ta cần các cơ quan đầu mối về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, ở đây là ngành LĐ-TB-XH các cấp. Tuy nhiên vẫn cần có quy định rất rõ ràng đối với các cơ quan khác nhau. Để đảm bảo trách nhiệm giải trình khi xảy ra các ca xâm hại được phát hiện và giải quyết kịp thời, cần có nguồn cán bộ được trả lương, đảm nhiệm công tác bảo vệ trẻ em. Nếu như chỉ dựa vào những người bán chuyên nghiệp hay các CTV thì trách nhiệm giải trình gần như không có.
Chúng ta phải quy trách nhiệm rất rõ ràng, rằng nếu xảy ra xâm hại trẻ em, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, đây phải là những người được trả lương, được đào tạo chuyên nghiệp, có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và cả trách nhiệm giải trình. Tại các nước, đây là đội ngũ nhân viên công tác xã hội tại địa phương, nhưng chúng ta vẫn thiếu. Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em hiện nay tại cấp xã phải kiêm nhiệm thêm 11-14 lĩnh vực khác và cũng không chuyên nghiệp về trẻ em.
Nhiều vụ xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn âm thầm diễn ra trong các nhà trường, trong các gia đình... Nhiều nạn nhân không dám khai báo do có mối quan hệ thân thiết với người bạo hành, các em cũng có thể không biết khai báo với ai, hoặc lo sợ bị mất đi nguồn nuôi dưỡng. Chúng ta mới chỉ biết được những ca đã bị phát hiện, tố giác, ở đâu đó những góc khuất vẫn có những mối nguy hại với trẻ em.
Một Cục trẻ em hay Tổng đài quốc gia 111 không thể giải quyết được với 96 triệu dân tại 11.000 xã, chúng ta cần hệ thống bảo vệ trẻ em, đội ngũ công tác xã hội tại các xã có trách nhiệm giải trình để kịp thời phát hiện, phối hợp với các cấp cao hơn, tạo ra hệ thống bảo vệ trẻ em toàn quốc.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Nguyễn Trang/VOV.VN