Tự tử ở giới trẻ, biểu hiện của thế hệ “thiếu sức đề kháng”?

Thứ 2, 14.12.2020 | 15:06:42
920 lượt xem

Mọi lý do để tự hủy hoại chính mình đều không đáng và khó có thể biện minh. Vậy mà nhiều bạn trẻ lại có xu hướng tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi những áp lực, nỗi buồn trong cuộc sống…

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa thôi ám ảnh về câu chuyện của nữ sinh ở tỉnh Quảng Nam đã treo cổ tự tử khi biết mình không đủ điểm chuẩn để đỗ vào trường Đại học Luật.

Trước đó, một nữ sinh 16 tuổi ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhảy cầu tự vẫn để giải thoát. Em để lại trên thành cầu chiếc xe máy điện, đôi dép cùng lá thư tuyệt mệnh với một nỗi đau khổ, uất ức vì thường xuyên bị mẹ la mắng, chê bai, so sánh…

Giờ thêm một vụ việc đau lòng nữa vừa xảy ra. Một nữ sinh ở An Giang đã uống thuốc tự tử ngay tại trường để chứng minh bản thân không mắc lỗi như nhà trường đã quy kết…..

Liên tiếp những cái chết vô lý khiến người lớn giật mình

Giật mình vì không biết từ khi nào, dường như tự tử đã biến thành “trào lưu” của giới trẻ… Giật mình còn bởi sự “yếu đuối” đến đáng lo ngại của giới trẻ khi chuyện không thực sự nghiêm trọng đã tìm đến cái chết…Có thể người lớn, thầy cô, cha mẹ đã có cách ứng xử làm các em tổn thương nhưng chả lẽ lại dễ tổn thương đến mức sẵn sàng phản ứng tiêu cực nhất? Phải chăng giới trẻ bây giờ “thiếu sức đề kháng”, thiếu khả năng đương đầu với khó khăn, nghịch cảnh do được sung sướng, nuông chiều, chưa được dạy dỗ đúng cách để phát triển bản thân... như nhiều người đánh giá?

Có lẽ khó để khẳng định khi mà mỗi cá thể có sức chịu đựng khác nhau và khi áp lực dồn đến, những con người đang ở tuổi ăn, tuổi hoc và cả ở tuổi đang phát triển, chưa ổn định về tâm sinh lý, bỗng rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản, tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh ấy, có thể, sẽ dễ dàng buông, tìm đến cái chết như một cách thức duy nhất để giải thoát khỏi sự bế tắc của bản thân, và một lý do nữa, là để phản kháng.

Nhưng liệu cách ấy có đáng không? Sao lại phải tự tước đi mạng sống và tương lai của chính mình? Một điều mà bao người đang mưu cầu.

Chết là hết. Hẳn nhiên. Nhưng đằng sau phản ứng tiêu cực ấy không chỉ thể hiện sự thiếu trân quý cuộc sống của chính bản thân mà còn cho thấy cách hành xử ích kỷ với những người ở lại. Đó có thể còn là sự tàn nhẫn. Bởi lẽ, sinh con ra, rồi vất vả mưu sinh nuôi con khôn lớn, bố mẹ nào cũng chỉ mong con trưởng thành. Ấy vậy mà chưa kịp nhìn con vững vàng, báo đáp… thì con đã vội rời xa bằng cách đau đớn nhất. Nỗi đau ấy, sự nghẹn đắng ấy ở trong tim những người làm cha, làm mẹ không biết bao giờ sẽ nguôi ngoai. Thật xót xa.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, có trầy xước, va vấp, đau khổ con người ta mới có thể rút kinh nghiệm mà vững vàng trước sóng gió cuộc đời có thể đến bất kỳ lúc nào. Việc tìm đến cái chết như một sự tự giải thoát, rốt cuộc, là cuộc chạy trốn ích kỷ vì làm hằn thêm nỗi đau cho người ở lại. Mỗi người trẻ hãy nạp cho mình năng lượng sống tích cực, biết kiểm soát cảm xúc bằng trái tim không yếu đuối để đừng biến mình thành một “thế hệ thiếu sức đề kháng”…/.


Thanh Hương/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/tu-tu-o-gioi-tre-bieu-hien-cua-the-he-thieu-suc-de-khang-823965.vov

  • Từ khóa