Quyết định 1956 về thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2009 nhưng tại Lạng Sơn bắt đầu thực hiện từ năm 2011. Sau 10 năm triển khai thực hiện, Lạng Sơn đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh, giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm.
Đồng bộ chỉ đạo, kiện toàn bộ máy
Để tổ chức thực hiện hiệu quả đề án, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg cấp tỉnh, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã là Trưởng Ban Chỉ đạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, các sở, ngành liên quan là thành viên. Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 được kiện toàn và thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cấp xã, thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Từ năm 2010 đến năm 2017, Sở LĐTBXH làm cơ quan thường trực, giúp UBND tỉnh quản lý về công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong toàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, Sở LĐTBXH vẫn là cơ quan quản lý Nhà nước chung về công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn toàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đã phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói chung, trong đó có Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”; thực hiện chế độ hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề, chế độ cho người học nghề bảo đảm đầy đủ, đúng quy định.
Đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho LĐNT xã Bính Xá, huyện Đình Lập
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTBXH cho biết: Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 21 cơ sở GDNN và tham gia lĩnh vực GDNN (trong đó có 4 trường cao đẳng; 10 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện; 1 Trung tâm GDNN Công đoàn; 3 trung tâm GDNN tư thục, 1 phân hiệu trường trung cấp cộng đồng; 2 trung tâm GDTX cấp tỉnh). Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, tỉnh có 11 trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố; Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT.
Các cơ sở GDNN trên địa bàn đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và xã hội. Đội ngũ quản lý đào tạo, đội ngũ nhà giáo GDNN có sự thay đổi lớn về nhận thức, năng lực thể hiện ở số lượng và chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT tăng theo từng năm, từng giai đoạn. Ngoài ra, hằng năm, Sở LĐTBXH tổ chức từ 6 đến 8 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ lĩnh vực quản lý đào tạo nghề. Bộ máy quản lý đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN ngày càng được tinh gọn, nâng cao về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và điều hành, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho LĐNT đúng theo quy định.
Quan tâm chính sách cho đào tạo nghề
Xác định nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tỉnh đã dành nguồn lực lớn cho đào tạo nghề.
Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU, ngày 20/8/2010 về việc tăng cường lãnh đạo triển khai đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”; giai đoạn 2011 – 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018, trong đó hỗ trợ đào tạo cho lao động trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo đặc thù của địa phương. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề không quá 2 triệu đồng/lao động/khóa đối với hệ sơ cấp (đào tạo từ 3 đến dưới 6 tháng); hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo/lao động/khóa đối với hệ trung cấp; 70% kinh phí đào tạo/lao động đối với hệ cao đẳng. UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định phê duyệt đề án, định mức chi phí đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, đồng thời hằng năm ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề và phân bổ vốn sự nghiệp theo quy định; chỉ đạo Sở LĐTB&XH (là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh) ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.
Chị Nông Thị Hồng Thêu, (lớp trưởng lớp kỹ thuật chăn nuôi gà, Bản Mới), Hoàng Sơn, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi học kỹ thuật chăn nuôi gà từ lớp nghề đào tạo cho LĐNT. Tham gia học lớp này, học viên được hỗ trợ 550 ngàn đồng/người/tháng thực học. Kết thúc lớp học, tôi sẽ có kiến thức để ứng dụng vào mô hình chăn nuôi gà của gia đình. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi hơn 100 con gà, tiến tới sẽ theo hướng mở rộng, phát triển trang trại chăn nuôi quy mô gia đình.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, điều kiện để được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh là dự án sử dụng tối thiểu 30% lao động địa phương; hỗ trợ đào tạo lao động với số lượng lao động đào tạo tối đa không quá 200 lao động/doanh nghiệp/năm và mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo 1 lần trong suốt thời gian làm việc tại doanh nghiệp; lao động được đào tạo thuộc danh sách đóng BHXH của doanh nghiệp; lao động chưa được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng (cùng ngành nghề đào tạo) theo các chính sách hiện hành của Nhà nước.
Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo
Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được triển khai đồng bộ trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm 100% đối tượng tham gia học nghề được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ… Đặc biệt công tác đào tạo được quan tâm, ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, các xã được lựa chọn về đích nông thôn mới.
Ông Đặng Xuân Tuấn, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Hữu Lũng cho biết: Sau 10 năm thực hiện đề án, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã đào tạo nghề cho 18.113 lượt lao động và 732 lượt cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ quản lý công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Qua đó đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 31% năm 2011 lên 55% năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 20,78% năm 2011 xuống còn 9,97% năm 2019 và phấn đấu giảm xuống 6,9% năm 2020. Số người lao động hằng năm đăng ký nhu cầu học nghề năm sau cao hơn năm trước và có sự lựa chọn nghề học phù hợp với tình hình địa phương.
Không chỉ Hữu Lũng, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lộc Bình thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện; gắn chương trình đào tạo nghề với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Hằng năm, số lượng lao động qua đào tạo nghề tăng, chỉ tiêu đào tạo nghề LĐNT thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Từ năm 2015 đến năm 2020, toàn huyện mở được 110 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng nấm, rau sạch, khoai lang, chăn nuôi gà… cho 3.870 lượt học viên. Hầu hết các nghề được tổ chức đào tạo cho LĐNT đều theo nhu cầu người học, phù hợp với điều kiện thực tế và tiềm năng phát triển của địa phương.
Bên cạnh các nghề nông nghiệp, một số nghề phi nông nghiệp cũng thu hút LĐNT tham gia học như: nấu ăn, lái xe ô tô, may mặc, cơ khí… Một số huyện tổ chức được số lớp nghề và có số học viên tham gia đông như: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Cao Lộc… Sau đào tạo, khoảng 80% số lao động tìm được việc làm ổn định. Bà Hoàng Thị Kiều, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhờ được tham gia lớp học nghề nấu ăn nên tôi đã tìm được công việc phụ bếp cho một nhà hàng trên địa bàn thành phố, thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống ổn định.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH, Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 của tỉnh cho biết: Thông qua chương trình đào tạo nghề đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất theo các nhóm nghề ở địa phương, các học viên còn liên kết và thành lập một số hợp tác xã sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp, trồng rau an toàn, chăn nuôi theo mô hình trang trại hiệu quả. Cụ thể như: mô hình trồng và chăm sóc cây na (huyện Chi Lăng); chăn nuôi lợn thịt và lợn nái (huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Lãng); nuôi gà bán chăn thả (huyện Cao Lộc); sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp (huyện Hữu Lũng); trồng rau an toàn (huyện Tràng Định, thành phố Lạng Sơn); trồng quế (huyện Tràng Định, Bắc Sơn)…
Có thể thấy sau 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT, Lạng Sơn đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó đã từng bước thay đổi tư duy lao động sản xuất của người dân, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đào tạo được 56.063 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ năm 2010 là 33% lên 43,4% năm 2015. Giai đoạn 2016-2020, đào tạo được 59.474 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 45,5 lên 55% (mỗi năm tăng bình quân từ 2% trở lên). |
THANH HUYỀN/baolangson.vn
http://baolangson.vn/xa-hoi/333811-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-dau-an-10-nam.html