Từ 1/1/2021, bệnh nhân điều trị trái tuyến tại bệnh viện tỉnh sẽ được chi trả toàn bộ chi phí nội trú. Như vậy, chi phí bảo hiểm y tế (BHYT) có thể tăng hàng nghìn tỷ đồng khi áp dụng thông tuyến.
Từ năm 2021, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, nghĩa là không đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, không có giấy chuyển tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh, nếu được chỉ định và điều trị nội trú, thì chi phí sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% theo mức hưởng của nhóm đối tượng đó. (Hiện tại, quỹ chỉ thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú. Quy định này không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú).
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Chính sách này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, cần điều trị nội trú sẽ không cần giấy chuyển viện từ tuyến huyện.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
“Người bệnh có thẻ BHYT do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát hành, lên TPHCM làm việc, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thì có thể đến khám chữa tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở đây. Người bệnh không mất công đi về. Trước đây, điều trị nội trú hay ngoại trú đều phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên" - ông Phúc nói.
Việc thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh BHYT, các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng trong khi không ít bệnh viện thiếu nhân lực, vật lực. Dự báo lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng, chi phí chi trả của Quỹ BHYT cũng sẽ tăng theo. Theo số liệu thống kê năm 2020, bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến là hơn một triệu bệnh nhân, số tiền đồng chi trả (40%) là 1.250 tỷ đồng.
Với số lượng bệnh nhân này, nếu Quỹ BHYT trả toàn bộ chi phí điều trị nội trú thì chi phí BHYT dự kiến sẽ tăng lên ít nhất 2.000 tỷ đồng. Ông Lê Văn Phúc khẳng định, số lượng bệnh nhân điều trị vượt tuyến sẽ gia tăng khi thông tuyến trong khi Quỹ BHYT dự phòng chỉ đáp ứng chi trả đến hết năm 2021.
(Ảnh minh họa)
“Để chính sách này không bị lạm dụng, trước hết ngành y tế cần xác định được mục tiêu là làm sao phải nhìn nhận đến quyền lợi của người bệnh. Nếu bệnh nhân cần phải điều trị nội trú hãy đưa vào, nếu bệnh đó có thể điều trị nội trú ở dưới tuyến huyện thì cũng có thể nói với người bệnh là bệnh này hoàn toàn có thể điều trị tại tuyến dưới. Khi giao nguồn kinh phí, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đã tính toán phần gia tăng có thể. Bộ Y tế cũng phải quy định những vấn đề liên quan đến tiêu chí phải nhập viện trong những trường hợp nào thì cần nhập viện, trường hợp nào không nên” - ông Phúc cho hay.
Ông Lê Văn Phúc cho biết thêm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan quản lý Quỹ BHYT sẽ giám sát chặt chẽ, có biện pháp ngăn ngừa nếu phát hiện bệnh nhân nhẹ vẫn được chỉ định điều trị nội trú, hoặc có tình trạng lôi kéo, thu hút người bệnh đưa vào điều trị nội trú. Trong quá trình thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam sẽ có những báo cáo đánh giá, kiến nghị điều chỉnh phù hợp nếu gặp vướng mắc. Nếu chi phí BHYT chi trả cho điều trị nội trú vượt tuyến tăng cao, có thể đề xuất lộ trình tăng mức đóng BHYT sau năm 2021 để bù đắp phần thiếu hụt. Bởi từ năm 2010 đến nay, mức đóng BHYT vẫn đang là 4,5% trong khi luật quy định tối đa 6%./.
Kim Thanh/VOV.VN