Thăm đền Trạng Trình tôn vinh đạo học

Thứ 3, 12.01.2021 | 08:25:10
526 lượt xem

Dịp về thăm đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, tôi may mắn có người đồng hành là em Trần Nguyễn Minh, học sinh Trường THPT Kiến An (Hải Phòng) đoạt giải nhất Cuộc thi Olympic toàn quốc môn Vật lý. Minh tâm sự rằng: “Em vinh dự được nhiều lần đến thăm đền quan trạng, được thành phố vinh danh học sinh giỏi xuất sắc tại đây. Ngôi đền là biểu tượng của truyền thống hiếu học, khuyến tài, là niềm tự hào của quê hương đất cảng”.

Câu chuyện thân tình với cậu học trò nhỏ khiến chặng đường về đền quan trạng trở lên gần hơn. Giữa một vùng quê yên ả, đồng bãi xanh rờn, ngôi đền tọa lạc dưới bóng cây xanh, xung quanh bà con quây quần đầm ấm. Khu đền thiêng gợi cảm giác bình dị thân thuộc, gần gũi đúng như cốt cách của một bậc danh nho thanh đạm lo cho dân, thích sống gần dân. Chẳng thế mà người đời ngợi ca tư tưởng nhân văn sâu sắc của quan trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/ Đắc quốc ưng tri tại đắc dân” (dịch nghĩa: Từ xưa đến nay nước lấy dân làm gốc/ Giữ được nước là do được lòng dân).

Gần gũi với dân nên khi thời cuộc nhiễu nhương, kỷ cương phép nước lung lay, gian thần lộng hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cáo quan về ở ẩn tại quê nhà, dựng am Bạch Vân, mở trường dạy học. Đào tạo nhân tài cũng là giúp nước, vì thế học trò của ông sau này đều là những bậc tài đức giữ vị trí rường cột nước nhà. Trình quốc công được hậu thế tôn thờ, sau này qua nhiều lần trùng tu, phục dựng thành Khu di tích lịch sử đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bề thế trang trọng như hiện nay. Trung tâm của khu di tích là ngôi đền thờ Trạng Trình gồm 3 gian tiền đường và hậu cung. Tượng quan trạng mặc triều phục, đầu đội mũ cánh chuồn, tay nâng tập sách như đang giảng đạo cho môn sinh. Phía sau là đền thờ thân phụ, thân mẫu, hai bên tả vu, hữu vu dùng để tiếp khách và trưng bày tư liệu về cuộc đời, thân thế sự nghiệp của Trạng Trình.

Thăm đền Trạng Trình tôn vinh đạo học
 Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sau lễ dâng hương, chúng tôi vòng ra khu vườn rợp mát bóng cây. Cảnh người dân quê nô nức đón quan trạng trở về đấm ấm thân thuộc được tái hiện qua từng nhóm tượng. Bỏ mũ ô sa, kiệu son lọng tía, quan trạng khăn vấn áo the bộ hành về làng như ngày ông ra đi. Bà con làng xóm, nam phụ lão ấu vui mừng đón người con của quê hương trở về. Những hình ảnh giản dị hiển hiện chân thực khiến người xem vô cùng cảm động và hiểu thêm về tấm lòng yêu dân của ông đến nhường nào. Khi nhắc đến Trạng Trình ắt hẳn phải kể đến sự học. Ngoại tứ tuần xem xét kỹ thời thế, ông mới lai kinh ứng thí và đỗ trạng nguyên. Sau này, ông về quê dựng lều cỏ mái tranh dạy học, đào tạo cho nước nhà bao bậc hiền tài nổi danh. Thế nên trước am Bạch Vân phục dựng lại tượng Trạng Trình ngồi thong dong cầm sách giảng đạo, học trò từ thân-sơ, quan-dân đều quy tụ về.

Lớp hậu thế trên quê hương ông sau này noi theo gương học của thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm cố gắng học tập để trở thành người hiền tài. TP Hải Phòng hằng năm tổ chức vinh danh học sinh giỏi tiêu biểu xuất sắc tại đền Trạng Trình nhằm khuyến khích phong trào học tập ở địa phương. Đứng trước tượng quan trạng, ông Lê Văn Khuynh, nhà giáo đã nghỉ hưu, hiện làm việc ở Ban khánh tiết nhà đền Trạng Trình, chia sẻ: “Hằng ngày chúng tôi đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan lễ đền. Đặc biệt, nhiều trường học, nhiều thế hệ học sinh đã tìm về đây dâng hương tưởng nhớ quan trạng, cầu mong học hành tấn tới. Khu di tích quốc gia đặc biệt này trở thành nơi giáo dục về lịch sử văn hóa, bồi đắp thêm truyền thống hiếu học của quê hương Hải Phòng”.

NAM THƯ.QDND.VN

qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tham-den-trang-trinh-ton-vinh-dao-hoc-648873

  • Từ khóa