Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm mà còn góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình.
Ngày 15/1, tại Hải Phòng, Văn phòng Thường trực nhân quyền Chính phủ đã tổ chức Hội thảo "Đảm bảo quyền của người lao động Việt Nam di cư".
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản,... ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia...
Toàn cảnh hội thảo.
Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người.
Cụ thể, năm 2016 là 126.000; năm 2017: 135.000; năm 2018: 143.000; năm 2019: 152.000. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78.000 người. Cùng với đó, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, từ khoảng 500.000 người những năm 2010 đến nay tăng lên khoảng 580.000 người.
Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỷ USD.
Ông Nguyễn Gia Liêm cho rằng, kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm (khoảng 7 – 9% số lao động được giải quyết việc làm) mà còn góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình. Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Liêm cho biết, dự kiến năm 2021 kế hoạch đưa khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài và những năm tiếp theo, khi tình hình ổn định có khoảng 120.000 – 150.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.
Để thực hiện mục tiêu này, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế (hệ thống pháp luật) về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể là xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định pháp luật quy định và hướng dẫn chi tiết Luật số 69.
Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua đó ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước truyền thống, chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh với người lao động.
Ông Liêm cũng cho rằng, cần tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật và chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương, cơ sở. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, đồng thời qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này./.
PV/VOV.VN