Trò diễn Sỹ – Nông – Công – Thương (trò kén rể) được biểu diễn tại Lễ hội Cầu mùa xã Mông Ân, huyện Bình Gia mang giá trị đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn. Để lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc đó, Nhân dân thôn Nà Cướm, xã Mông Ân đã phục dựng thành công trò diễn này.
Huyện Bình Gia hiện có 82 lễ hội, diễn ra từ ngày 1/1 âm lịch hằng năm. Trong đó, Lễ hội Cầu mùa xã Mông Ân là lễ hội truyền thống gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp của các đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Mông Ân nói riêng và huyện Bình Gia nói chung. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Ngoài phần lễ, trong hội còn có những điệu múa lân, múa sư tử mèo vô cùng đặc sắc. Đặc biệt, tại lễ hội có trò diễn “ Sĩ – Nông – Công – Thương”, đây là trò diễn đặc trưng của địa phương, nói về câu chuyện nhà ông phú nông trong vùng có cô con gái đến tuổi kén chồng và được 4 nhân vật đại diện cho 4 lớp người thời bấy giờ đến xin làm rể.
Các hoạt động lao động, sản xuất được tái hiện qua trò kén rể tại xã Mông Ân, huyện Bình Gia
Ông Hoàng Văn Đông, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, huyện Bình Gia cho biết: Đây là một trò diễn rất đặc sắc của xã Mông Ân được phục dựng và biểu diễn lại trong thời gian qua. Trò diễn mang tính văn nghệ dân gian, thể hiện vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong đời sống người dân. Tất cả những mục diễn đều nói lên tầm quan trọng của nghề nông và mong muốn mọi người hãy coi trọng sản xuất nông nghiệp. Điều đặc sắc của trò diễn này là mỗi nhân vật trong trò diễn đều có những hoạt động cụ thể gắn với đời sống sinh hoạt, công việc của mình, các lễ hội khác cũng diễn ra trò này nhưng không có được.
Cụ thể, trò diễn có 5 nhân vật đại diện cho các tầng lớp xã hội gồm: Anh “Sỹ” đại diện cho tầng lớp trí thức, những người có học; anh “Nông” đại diện cho tầng lớp nông dân chân lấm, tay bùn, người sản xuất ra lúa gạo nuôi sống con người; anh “Công” đại diện cho lớp người sản xuất thủ công nghiệp như rèn dao, cuốc, cày phục vụ sản xuất; anh “Thương” đại diện cho lớp người buôn bán, trao đổi hàng hóa… Và cuối cùng là nhân vật “Cô gái” xinh đẹp kén chồng. Cùng với đó, tại trò diễn còn có các diễn viên quần chúng thể hiện những hoạt động trong cuộc sống hằng này như: cày ruộng, bắt cóc, bẫy chim, xẻ gỗ, buôn bán, dạy học…Để hoàn thiện trò diễn trong gần 2 giờ đồng hồ, sẽ có 23 tiết mục với 36 “con trò” được lựa chọn và thể hiện các vai diễn. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị đạo cụ bao gồm các mặt nạ được làm bằng khuôn đất nặn sẵn, được dán giấy, có mắt, có mũi có miệng thể hiện đầy đủ nét mặt, sắc thái của 4 tầng lớp: sỹ, nông, công, thương….
Ông Hoàng Văn Thu, năm nay đã gần 70 tuổi, ở thôn Nà Cướm, xã Mông Ân vẫn kể rành mạch thời gian phục dựng trò diễn tại thôn, ông chia sẻ: Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, tôi cùng các cụ cao niên trong thôn và huy động thanh niên nghiên cứu, thiết kế đạo cụ, trang phục và tập luyện. Sau nhiều thời gian chuẩn bị, năm 2001, trò diễn được phục dựng và biểu diễn tại thôn đã thu hút rất đông bà con khu vực lân cận đến xem và cổ vũ nhiệt tình. Dần dần trò diễn được duy trì, tái hiện và đến tháng Giêng năm 2016 và năm 2019, UBND huyện Bình Gia đã chọn trò diễn để diễn tại Lễ hội Cầu mùa của xã Mông Ân – là lễ hội điểm của huyện.
Chị Hứa Thu Uyên, thị trấn Bình Gia cho biết: Trò kén rể được biểu diễn tại Lễ hội Cầu mùa của xã Mông Ân thật sự rất độc đáo, cách diễn xuất của các diễn viên chân thật, hài hước, đem lại nhiều niềm vui và tiếng cười cho người xem. Theo tôi, đây là trò diễn cần được gìn giữ, để làm phong phú thêm các loại hình văn hóa dân gian của xã Mông Ân nói riêng và huyện Bình Gia nói chung.
Để duy trì, giữ gìn những nét đẹp văn hóa trong lễ, hội đối với thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên xã Mông Ân đã phát huy tinh thần xung kích, chủ động tập luyện, tham gia trò diễn, anh Hoàng Văn Chiều, Bí thư Chi đoàn thôn Nà Cướm chia sẻ: Trong các buổi sinh hoạt đoàn, ban chấp hành chi đoàn thường xuyên tuyên truyền, vận động các đoàn viên tham gia nhiệt tình, đầy đủ các buổi tập luyện, phục chế trang phục, đạo cụ của trò diễn. Trong thời gian tới, rất mong các cấp có thẩm quyền của huyện Bình Gia quan tâm, hỗ trợ để thanh niên cũng người dân Mông Ân duy trì trò diễn. Qua đó, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống, bản sắc của quê hương.
Một mùa xuân mới đang đến, những người dân thôn Nà Cướm nói riêng và xã Mông Ân nói chung đang tất bận chuẩn bị đạo cụ và luyện tập để biểu diễn tốt nhất trò diễn Sỹ – Nông – Công – Thương tại lễ hội cầu mùa sắp tới. Không chỉ là cầu ước một năm mới hanh thông, mưa thuận, gió hòa, đây còn là tiết mục thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống của quê hương Mông Ân.
HOÀNG CƯỜNG/BAOLANGSON.VN
http://baolangson.vn/van-hoa/339824-doc-dao-tro-dien-sy-nong-cong-thuong-o-mong-an.html