Để Tết ông Công, ông Táo thật ý nghĩa, an toàn

Thứ 5, 04.02.2021 | 14:34:57
503 lượt xem

Tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp năm nay có một điều đặc biệt, đó là diễn ra trong khi cả nước đang nỗ lực, đề cao cảnh giác hết mức, quyết tâm phòng, chống, dập dịch Covid -19. Do đó, trong hoạt động đón tết, người dân hãy nêu cao ý thức tự giác phòng, chống dịch để tết thêm an vui, ý nghĩa.

Có thể thấy, trải qua thời gian, văn hóa lễ, tết đã bén rễ lâu bền trong đời sống tinh thần của mỗi người dân. Mỗi ngày lễ, tết truyền thống đều ẩn chứa, gửi gắm những ý nghĩa tốt đẹp, trong đó có Tết ông Công, ông Táo. Qua đó đã và đang góp phần bồi đắp, làm giàu thêm nền văn hóa của quê hương, đất nước, tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

 Khi nhắc đến lễ, tết truyền thống của người Việt không thể không nói tới Tết ông Công, ông Táo. Đây là cái tết đánh dấu kết thúc một năm cũ để chuẩn bị đón năm mới vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng đêm 30 tháng Chạp.

Người dân thả cá chép tiễn ông Công ông Táo tại sông Kỳ Cùng.  Ảnh: LƯƠNG THẢO

Trong tâm thức dân gian, ông Công, ông Táo (Táo Quân, ông Táo, Thổ Công, Thần Bếp, Ba ông đầu rau…) là vị thần vô cùng quan trọng ngự tại mỗi gia đình. Do đó, trong mỗi ngôi nhà đều có bàn thờ và được kính lễ hết sức chu đáo. Ngay khi nhập trạch vào nhà mới thì điều đầu tiên các gia chủ đều quan tâm là chuyện đặt bàn thờ an vị bát hương thổ công, tổ tiên ông bà… Hay như những người đi thuê nhà, khi chuyển đến dù là nhà đi thuê người ta cũng luôn quan tâm đến chuyện kính lễ thổ công. Nói như vậy để thấy rằng việc thờ cúng thổ công là việc trọng, đã đi vào tâm thức của nhiều người.

Ý nghĩa là vậy nên Tết ông Công, ông Táo là dịp để các gia chủ tri ân vị thần đã cai quản việc bếp núc, đất đai, nhà cửa, chợ búa cho gia đình,… trong năm qua. Vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ lên Thiên đình để báo cáo những điều tốt đẹp trong năm qua. Cho nên các gia chủ đều sửa soạn lễ tươm tất để tiễn ông về chầu trời với những gửi gắm, ước mong ông sẽ báo cáo với Thiên đình những điều tốt đẹp và mong cầu trong năm mới sẽ còn đạt được nhiều điều tốt đẹp, hanh thông, viên mãn hơn nữa.

Dân gian cũng quan niệm rằng, ông cưỡi cá chép lên chầu trời nên trong đồ lễ cúng có thêm cá chép bằng giấy hoặc cá chép thật để ông làm “phương tiện” là thế. Lễ xong, người ta sẽ hóa cá chép giấy, còn đối với cá chép thật sẽ mang ra sông, suối thả. Ẩn trong nghi lễ thả cá chép còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn đó là phóng sinh, hành thiện, tạo phúc…

Dẫu biết rằng lễ, tết là truyền thống hằng năm không thể bỏ qua, song trong bối cảnh cả nước đang căng mình, nỗ lực, quyết tâm phòng, chống sự lây lan của dịch Covid -19, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chung tay phòng, chống dịch bệnh bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất. Có như vậy, lễ, tết mới thực sự ý nghĩa, trọn vẹn.

Còn nhớ, dịp Tết Thanh Minh đầu năm 2020, để góp phần phòng, chống dịch Covid-19, nhiều gia đình đã chuyển đổi hình thức tổ chức nhưng vẫn rất ý nghĩa. Cho nên, đón Tết ông Công, ông Táo năm nay cũng cần tổ chức gọn nhẹ, quan trọng là “tấm lòng thành”. Theo đó, các gia đình nên xem xét hạn chế việc tụ họp, gặp mặt ăn tết dịp này để từ đó hạn chế các thành viên phải di chuyển nhiều, góp phần thực hiện tốt thông điệp 5K à ngành y tế khuyến cáo (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế).

Việc thực hiện nghi lễ cúng cá chép có thể chuyển sang các hình thức tượng trưng, ước lệ mà vẫn đầy đủ ý nghĩa. Còn nếu đi thả cá ra sông, suối, người dân cần tuân thủ nghiêm thông điệp 5K. Cùng với đó, thực hiện tốt nếp sống văn minh, đó là “thả cá, không thả túi nilon”; không thả trôi sông, suối đồ thờ cúng của năm cũ theo quan niệm “cho mát mẻ” mà hãy thực hiện tiễn giải đúng nơi đã được quy định. Bởi, ý nghĩa của việc hóa giải là mong đón những điều tốt lành trong năm mới nhưng vô tình làm ứ đọng trên các dòng sông, con suối, ảnh hưởng đến cộng đồng, môi trường sinh thái sẽ mất đi ý nghĩa, sự mong cầu,…

Năm nay, để phòng, chống dịch Covid -19 có diễn biến phức tạp, UBND thành phố Lạng Sơn đã có thông báo dừng tổ chức Lễ phóng sinh thả cá chép tại Chương trình “Triển khai công tác bảo vệ môi trường sông Kỳ Cùng” nhân dịp Tết ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, vẫn đặt ban thờ để Nhân dân đến làm lễ hóa giải tại khuôn viên Chùa Thành và duy trì các điểm chốt trực, hướng dẫn người dân thả cá… Qua đó, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường dòng sông quê hương cũng như phòng, chống dịch Covid -19.

Tết đến, xuân về với bao niềm tin và hy vọng tốt đẹp sẽ đến. Tin rằng, khi mỗi người đều nêu cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm trong hoạt động đón tết gắn với công tác phòng, chống dịch  Covid-19, mọi người, mọi nhà sẽ được đón một cái tết thật sự ý nghĩa, an toàn nhất.


VIỆT THỊNH/BAOLANGSON.VN

http://baolangson.vn/van-hoa/342423-de-tet-ong-cong-ong-tao-that-y-nghia-an-toan.html


  • Từ khóa