Ngày Tết, lì xì thế nào để đừng làm hư con trẻ

Thứ 4, 10.02.2021 | 15:39:34
549 lượt xem

Lì xì đầu năm mới là một mỹ tục của người Việt, mang ý nghĩa cầu chúc cho năm mới may mắn, bình an, trẻ nhỏ chăm ngoan, học giỏi. Thế nhưng ngày nay, phong tục này đang dần biến tướng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giáo dục trẻ nhỏ.

Không rõ từ bao giờ, nhưng bao đời nay, người Việt vẫn có phong tục lì xì ngày Tết. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ với ý nghĩa cầu mong sức khỏe, chúc cho ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại con cháu mong ngoan ngoãn, học giỏi, gặp nhiều điều may mắn.

Không chỉ người thân trong gia đình mừng tuổi nhau, mà khách đến chúc Tết cũng mừng tuổi trẻ con kèm theo những lời chúc tốt đẹp. 

Lì xì đầu năm bởi vậy đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Thế nhưng, khi xã hội phát triển, phong tục này đang dần thay đổi.

Ảnh minh họa. 

Ảnh minh họa.

Mấy ngày nay, vợ chồng chị Nguyễn Thanh Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) lại sốt sắng đi đổi tiền lẻ để mừng tuổi dịp Tết. Để cẩn thận, không sót cháu nào, chị Hoa ngồi tính xem có bao nhiêu cháu, mỗi lì xì bao nhiêu tiền, trẻ con hàng xóm thì lì xì bao nhiêu.

“Trẻ con giờ cũng tinh lắm, nên phải lì xì đều, đứa nhiều đứa ít là không vui rồi. Sợ nhất là những lần vừa đưa lì xì xong, chúng mở ngay trước mặt, rồi so với người này người kia, nhiều hay ít, đến là ngại”, chị Hoa chia sẻ.

Chuyện lì xì vốn là nét đẹp, phong tục ý nghĩa, nhưng ngày nay, đôi khi lại trở thành một nỗi lo với người lớn. Nhiều người gần Tết lại phải nhìn ví để áng chừng tiền lì xì, lì xì ít thì ái ngại, nhưng lì xì nhiều đến hàng chục cháu thì lại “đau ví”.

Một thực tế rằng, hiện nay nhiều trẻ đang dần bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của người lớn, chúng không quan tâm đến ý nghĩa, hay những lời chúc, mà chỉ chăm chăm mở ra xem “ruột” nhiều hay ít.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa cho rằng, tục lì xì ngày Tết mang ý nghĩa đẹp, đến nay vẫn còn lưu giữ trong các gia đình. Đầu năm, ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu, mang ý nghĩa chúc cho con cháu mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, người nhỏ mừng tuổi ông bà cha mẹ chúc tăng niên tăng thọ. 

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Lì xì cũng bởi vậy mà không quan trọng mệnh giá, xưa kia chỉ cần 1 tờ 500 đồng con bỏ vào bao lì xì đỏ, thể hiện sự may mắn của năm mới. Thế nhưng ngày nay, phong tục này đang có phần méo mó.

“Đâu đó, người này người kia còn có những cách lì xì không bình thường. Lì xì con trẻ đến tiền triệu, chục triệu, trăm triệu thậm chí cả tiền đô la. Dường như đằng sau đó có điều gì đó trái với lẽ thường. Nhiều người lớn đang mượn việc lì xì con trẻ, để đút lót “đi cửa sau” với bố mẹ. Cũng bởi vậy, năm nào dịp Tết, cũng có những văn bản chỉ đạo không biếu quà cấp trên. Nhưng cơ bản, đây là quy định cứng, hơn hết phải là quy định trong lòng mỗi người, cốt giữ đúng ý nghĩa tục lì xì ngày Tết, để mang tính động viên, khích lệ nhau, thể hiện tình cảm yêu thương, trân quý lẫn nhau”, TS Nguyễn Viết Chức cho biết.

TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, chính những hành động này của người lớn đang làm hư con trẻ, khiến nhiều trẻ hiện nay chỉ quan tâm đến mệnh giá bên trong bao lì xì chứ không hề biết đến ý nghĩa của phong tục này. Trẻ cũng biết tiêu tiền, cầm lì xì trên tay chỉ vội “soi” người này cho nhiều, người kia cho ít. Từ đó, trẻ thích đồng tiền hơn là tình cảm của mọi người dành cho mình.

“Người lớn phải giáo dục để trẻ hiểu rằng, lì xì mang tính khích lệ, không phải để thu hái. Trong mỗi gia đình, người lớn cũng phải làm gương, đừng biến lì xì thành đút lót, đừng để trẻ nhiễm những suy nghĩ thực dụng của người lớn ngay từ bé”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Quý Đức, chuyên gia Văn hóa cho rằng, lì xì đầu năm bằng quà, hay tiền, tùy vào nhu cầu của từng trẻ. Có những trẻ cần có 1 khoản tiền để chi trả học phí, sắm sách vở… nhưng cũng có những trẻ lại thích những món quà bằng hiện vật. Dù lì xì bằng gì đi nữa, của cho không bằng cách cho, quan trọng nhất vẫn là sự chân thành. Tục lì xì đầu năm chỉ đúng với nét đẹp văn hóa vốn có khi cả người trao và người nhận đều không lo nghĩ quá nhiều về mệnh giá đồng tiền bên trong, đặc biệt là những đứa trẻ không bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc của người lớn, các con biết trân quý món quà ngày Tết mọi người dành cho mình./.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/ngay-tet-li-xi-the-nao-de-dung-lam-hu-con-tre-836252.vov

  • Từ khóa