Đội giải cứu thú quý trong khu dân cư ở Sài Gòn

Chủ nhật, 14.02.2021 | 09:53:44
892 lượt xem

Những con thú sổng chuồng quậy phá, mắc kẹt trong khu dân cư hoặc sắp thành mồi nhậu được Chi cục kiểm lâm TP HCM giải cứu, đưa về chăm sóc.

Giữa tháng 1, hơn 70 hộ dân khu phố 6, phường Thạnh Xuân liên tục bị đàn khỉ gần chục con quấy phá. "4-5h sáng thì khỉ nhảy trên mái tôn nhà tôi ầm ầm, không thể ngủ được. Trưa thì chúng trèo vô cửa sổ trộm đồ ăn. Trái cây trên bàn thiên chưa kịp tàn nhang đã bị nó lấy mất", chị Lý Thị Anh Đào người dân khu phố 6 trần tình với Kiểm lâm viên Đặng Văn Hoàng, 52 tuổi, một trong hai thành viên đội giải cứu động vật thuộc Chi cục kiểm lâm TP HCM.

Bắn thuốc mê đàn khỉ trong khu dân cư Sài Gòn  

Bắn thuốc mê đàn khỉ quấy phá trong khu dân cư ở quận 12. Video: Nguyễn Điệp.

Trong gần một năm, người dân kiên trì đặt bẫy lồng sắt nhưng không có kết quả, thậm chí họ chích thuốc mê vào chuối xiêm chín - món ăn khoái khẩu của khỉ, nhưng chúng lại "khôn lỏi" chỉ lựa những trái không có thuốc. "Trái chuối nào có thuốc, khỉ lột vỏ, bẻ đôi ngửi rồi vứt lại chứ không ăn", chị Đào kể.

Nhiều ngày liên tiếp, ông Hoàng cùng đồng nghiệp Cẩm Văn Tùng (bác sĩ thú y) khảo sát từng ngôi nhà, cây xanh, đường dây điện những con khỉ bất trị hay lui tới. Đội giải cứu sau đó đã lên phương án dùng ống tiêu và súng bắn mũi tiêm chứa thuốc Zoletil (thuốc gây mê trong thú y) để di dời.

4h, hai nhân viên kiểm lâm mang theo ống thổi tiêu và khẩu súng bắn thuốc mê nhập khẩu từ Đức có ống ngắm hồng ngoại, dài hơn 1,5 m, bắt đầu kế hoạch. Cả hai xác định phải bắt bằng được con đầu đàn trước tiên để đàn khỉ mất phương hướng. Khi mặt trời vừa ló dạng, anh Tùng đặt một nải chuối chín trên mái tôn đàn khi thường xuyên "tắm nắng" mỗi sáng.

Nấp sau cánh cửa sổ, anh thấy một con khi đực lớn, nặng gần 15 kg tiến đến gần mồi nhử. "Tất cả con khỉ trong đàn ngồi thành vòng cung xung quanh con khỉ đực. Điều này cho thấy nó chính là con đầu đàn", kiểm lâm viên kiêm bác sĩ thú y nói và phải đợi hơn một giờ để thổi tiêu hạ con khỉ đầu tiên.

Sau khi con đầu đàn bị bắt, đàn khỉ chạy nhảy trong bán kính hàng trăm mét vuông ẩn nấp. Lúc này, biện pháp thổi tiêu không còn tác dụng mà phải dùng súng bắn thuốc mê. Nam bác sĩ thú y đeo khẩu súng nặng trịch di chuyển đến nhiều địa điểm đã ghi chép từ những ngày khảo sát trước đó để tìm khỉ.

Theo nhân viên kiểm lâm, khi bắn động vật linh trưởng bắt buộc phải ngắm vào cơ bắp chi trước hoặc sau. Nếu mũi tiêm trúng bụng khỉ thì thuốc sẽ phải mất nhiều thời gian để có tác dụng, con vật sẽ chạy mất. Trường hợp trúng đầu, nó có thể chết. Ngoài ra, người bắn còn chịu áp lực phải trúng mục tiêu vì mỗi khẩu trúng chỉ có 5 mũi tiêm. "Bắn hụt thì mũi tiêu sẽ bay mất. Trong khi súng phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí rất cao và hiếm", ông Hoàng giải thích.

Sau 3 ngày, cả hai người đã bắn được 6 con khỉ gồm 4 đực và 2 cái đưa về Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi chăm sóc trước khi thả về rừng. Đây cũng là lần họ bắn thuốc mê di dời cá thể động vật nhiều nhất trong hơn 30 năm theo nghề.

Cách đó nửa tháng, anh Tùng từng thổi tiêu di dời một con khỉ đuôi lợn chuyên giật giỏ xách, trộm tài sản của du khách tại khu du lịch Rừng Sác, huyện Cần Giờ. Hay như con khỉ quậy phá, cắn người ở khu dân cư gần cầu An Hạ, huyện Củ Chi. Trong nhiều tháng, con khỉ đực trưởng thành đã tấn công nhiều người lớn và trẻ em. Trước khi được Đội giải cứu bắn thuốc mê, nó đã tấn công một bé trai 3 tuổi phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. "Một cơ sở nhôm kính ở đó còn phải hàn cả cái lồng để nằm ngủ trưa vì sợ khỉ cắn", ông Hoàng cho biết.

Con chim Cắt hiếm gặp được đưa xuống sau 3 ngày mắc kẹt trên đường dây diện cao thế vào tháng 7/2018. Ảnh: Chi cục kiểm lâm TP HCM.

Con chim Cắt hiếm gặp được đưa xuống sau 3 ngày mắc kẹt trên đường dây diện cao thế vào tháng 7/2018. Ảnh: Chi cục kiểm lâm TP HCM.

Không chỉ khỉ, hai Kiểm lâm viên còn nhiều lần di dời nhiều cá thể động vật quý hiếm khác. Tháng 7/2018, anh Tùng cùng nhân viên Điện lực TP HCM giương xe thang cứu một con chim cắt hiếm gặp ở Việt Nam bị mắt kẹt trên đường dây điện cao thế 110kV. Lần đó hệ thống điện cung cấp cho sân bay Tân Sơn Nhất đã bị ngắt hơn một giờ để lực lượng tiếp cận chú chim có bộ lông trắng, dài khoảng 20 cm đã kiệt sức vì 3 ngày không ăn uống.

Trong những lần giải cứu động vật, anh Tùng gặp không ít tình huống tréo ngoe. Như lần tiếp nhận hai con cầy giông đốm lớn được xếp vào loài nguy cấp trong Sách Đỏ từ quán nhậu ở quận Tân Phú. "Chỉ cần chậm trễ, hai cá thể thú có nguy cơ tuyệt chủng đã thành nằm trên bàn nhậu", anh nói.

Lần khác, nhóm bạn ở Hóc Môn cùng hùn 10 triệu đồng để mua một con trăn gấm hơn chục kg để làm mồi. Nhưng may mắn cho con trăn, một người đàn ông đã bỏ tiền túi mua lại trước khi báo cho nhân viên kiểm lâm nhận về chăm sóc.

Cách đây nửa năm, anh Tùng cùng nhân viên Sở thú Sài Gòn đã dùng kỹ thuật cột mõm, tứ chi con cá sấu nước ngọt nặng gần 15 kg và dùng cần cẩu đưa xuống đất, sau lời cầu cứu của hộ dân ở quận 4. Chủ nhà đã nuôi con cá sấu làm cảnh trong 8 năm trên sân thượng. Cho đến khi trưởng thành, con cá sấu trở nên hung hăng khiến họ sợ hãi.

Con cá sấu được giải cứu từ sân thường ngôi nhà ở quận 4. Ảnh: Chi cục kiểm lâm TP HCM.

Con cá sấu được giải cứu từ sân thường ngôi nhà ở quận 4. Ảnh: Chi cục kiểm lâm TP HCM.

Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó chi cục Kiểm lâm TP HCM, mỗi năm đơn vị tiếp nhận, giải cứu hàng chục cá thể động vật quý hiếm trong khu dân cư. Đối với từng loài, người giải cứu phải lên kế hoạch chi tiết để vừa đảm bảo không gây nguy hiểm cho bản thân, người dân và cả động vật. Ông Hưng khuyến cáo người dân không nên nuôi động vật hoang dã trong khu dân cư như: khỉ, trăn,... vì chúng có thể mang nhiều mần bệnh như sỏi, viêm gan siêu vi B...


Đình Văn/vnexpress.net

https://vnexpress.net/doi-giai-cuu-thu-quy-trong-khu-dan-cu-o-sai-gon-4234535.html

  • Từ khóa