Mặc dù đã huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ, nỗ lực ngày đêm không nghỉ, nhưng đến sáng 13/12, các lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa tiếp cận được vị trí sập, sụt hang để tìm 2 người đã mất tích từ ngày 8/12.
Lòng hang nhỏ, hẹp, nguy cơ tiếp tục sập sụt gây khó khăn rất lớn cho công tác cứu hộ.
Từ chiều 9/12, lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã tiếp cận hiện trường, triển khai các phương án đưa dưỡng khí vào hang, gia cố chống sập tại các vị trí xung yếu, đào đất khơi thông lòng hang.
Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, lòng hang nhỏ hẹp, nhiều khúc cua lên, xuống, thiếu dưỡng khí, lượng nước trong hang dâng lên ngấm vào thành hang làm gây nguy cơ sụt, sập rất cao. Lực lượng cứu hộ phải tiếp cận hang bằng cách trườn, bò nên công tác giải cứu khá khó khăn.
Đến chiều 12/12, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận vào lòng hang được khoảng 140m thì có tảng đá sập chắn ngang, còn hơn 60m nữa mới tới vị trí sập sụt. Trong những ngày qua, hàng ngày, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn đều đến chỉ đạo, động viên các lực lượng nỗ lực cao, bảo đảm an toàn để sớm tìm được 2 nạn nhân đã mất tích. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đề nghị và được Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn của tập đoàn lên hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, Đặng Đình Phong cho biết, nhờ những máy móc tối tân của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đưa lên hỗ trợ, các lực lượng chức năng đã có thể đi sâu hơn vào lòng hang. Tuy nhiên, hiện nay, vị trí mà lực lượng chức năng mới vươn tới đang có nguy cơ sập, sụt rất cao. Do vậy, đang cần phải tính toán, tìm phương án mới.
Như vậy, trong hơn 3 ngày qua, do những khó khăn nói trên, nên các lực lượng chức năng tham gia cứu hộ chưa thể có phương án khả dĩ hơn so với việc đào, bới, vận chuyển đất, đá thủ công ra ngoài.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình chỉ đạo, bằng mọi cách phải tiếp cận được vị trí người mất tích nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Quá trình cứu nạn, lực lượng phải thường xuyên liên lạc với bên ngoài để khi có các tình huống phát sinh cần xử lý kịp thời. Địa phương cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ cho các lực lượng tham gia túc trực, cứu hộ được an toàn và đầy đủ.
Trước đó, Nhân Dân điện tử đã phản ánh, từ ngày 8/12, 2 người dân trong xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn đã chui vào hang đá tự nhiên ở thôn Kéo Nàng để tìm khoáng sản. Đến chiều không thấy về, người dân trong xã đi tìm thì phát hiện hang đá đã bị sập, sụt nên tổ chức ứng cứu và báo cáo lực lượng chức năng hỗ trợ.
Khu vực xã Bản Thi là nơi có mỏ quặng chì kẽm lớn nhất Việt Nam, đã được khai thác từ thời Pháp thuộc. Do vậy, ở đồi núi nơi đây còn tồn tại nhiều điểm hang, hố đã được khai thác quặng để lại. Tình trạng người dân đi tìm mót quặng trong các hang tự nhiên, hang sau khai thác để lại, vẫn thường diễn ra trong những năm qua, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Tuấn Sơn/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/no-luc-tim-2-nguoi-mat-tich-do-sap-hang-o-bac-kan-677991/