Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, các địa phương khu vực miền Trung đã lên phương án sẵn sàng ứng phó. Trong đó, nhiều khu vực ven biển đã thực hiện cấm tàu, thuyền ra khơi.
Thanh Hóa: Khẩn cấp ứng phó với bão số 9
Tỉnh Thanh Hóa đã có công điện về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 9. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tổ chức rà soát, nắm rõ ngay tất cả các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động trên biển.
Tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão; đảm bảo an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.
Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tổ chức rà soát, nắm rõ ngay tất cả các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động trên biển (Ảnh: Thanh Tùng).
Đồng thời, rà soát, chuẩn bị sẵn phương án để chủ động ứng phó bão; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất. Sở Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán dân khi có tình huống.
Nghệ An chủ động phòng, chống bão số 9
Ngày 18/12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị, địa phương, các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai về ứng phó với bão số 9, dự báo có khả năng ảnh hưởng đến địa phương.
Tàu thuyền vào bờ tránh bão (Ảnh: Tư liệu).
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương trong tỉnh phối hợp với lực lượng Biên phòng và các cơ quan liên quan... ; chỉ đạo rà soát, nắm bắt thông tin tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú bão an toàn; triển khai các biện pháp an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân; bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập và tài sản trên các đảo và trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản...
Hà Tĩnh: Sẵn sàng các phương án ứng phó bão
Trước cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, phức tạp của bão số 9 (Rai), Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị, địa phương phải thường xuyên cập nhật thông tin, bám sát dự báo, mức độ ảnh hưởng để sẵn sàng phương án ứng phó. Đặc biệt là phải sớm thông báo, kêu gọi toàn bộ tàu thuyền, ngư dân vào nơi tránh trú an toàn.
Các tàu vào neo đậu tại Cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) để tránh bão (Ảnh: Xuân Sinh).
Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, địa phương có gần 4.000 tàu cá đánh bắt ở các vùng biển khác nhau. Đến 16h ngày 18/12, tất cả tàu thuyền của địa phương đã nắm bắt được các thông tin về cơn bão số 9, để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ghi nhận của phóng viên tại Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đã vào khu neo đậu. Các tàu được chằng néo cẩn thận để hạn chế va đập khi gió mạnh.
Quảng Bình: Cấm biển ứng phó bão số 9
Trước những diễn biến của bão số 9, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện về việc sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó. Theo đó, tỉnh này đã chỉ đạo cấm biển, các phương tiện đánh bắt trên biển đã nắm được thông tin của bão, hiện đang trên đường vào bờ tránh, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tàu cá ngư dân Quảng Bình neo đậu tránh trú bão (Ảnh: CTV).
Các sở, ngành, địa phương tại Quảng Bình cũng đã lên phương án di dời dân khỏi vùng ven biển, cửa sông. Toàn tỉnh dự kiến di dời gần 2.000 hộ dân nếu có tình huống xấu xảy ra.
Quảng Trị: Cấm tàu thuyền ra khơi, chuẩn bị phương án di dân tránh bão
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến 9h ngày 18/12, gần 2.500 tàu thuyền của địa phương với hơn 7.050 thuyền viên đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão số 9. Không có tàu thuyền nào hoạt động trên biển.
Ngoài ra, số tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn là 18 chiếc với 128 thuyền viên.
Trước đó, đơn vị này đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai ứng phó với bão; trong đó, chú trọng công tác theo dõi, kiểm kê và quản lý tàu thuyền, chủ động đề phòng và có phương án ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra.
Tỉnh Quảng Trị cũng xây dựng phương án di dời dân tránh bão số 9 theo cấp độ 3. Theo đó, số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh bão ở 4 huyện ven biển gồm: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ là 8.980 hộ với gần 28.000 người.
Trong đó tỉnh ưu tiên phương án sơ tán khẩn cấp hơn 1.730 hộ với trên 6.200 nhân khẩu bị ảnh hưởng ở các xã vùng ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/mien-trung-san-sang-ung-pho-voi-bao-so-9-20211218194040579.htm