Anh Quang cứ ngỡ rằng khi đã có đơn trình báo về việc ô tô bị mất trộm thì anh sẽ nhận được tiền bảo hiểm vật c
Hơn 3 năm theo đuổi vẫn chưa thể nhận tiền bồi thường
Hơn 3 năm qua, anh Đỗ Thế Quang (SN 1980, ở Hà Nội) chật vật theo đuổi việc lấy tiền bảo hiểm xe cơ giới đường bộ từ Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không Thủ đô (VNI Thủ đô).
Trước đó, ngày 8/12/2018, xe ô tô Suzuki Van mang BKS 29D-410.45 do anh Quang mua trả góp với số tiền hơn 284 triệu đồng bị mất trộm tại khu vực phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội). Đây cũng là chiếc xe mà anh đã mua bảo hiểm xe cơ giới từ VNI Thủ Đô, có nội dung bảo hiểm thiệt hại vật chất cho xe trong trường hợp "mất toàn bộ xe do trộm, cướp".
Hơn 3 năm qua, anh Đỗ Thế Quang chật vật theo đuổi việc nhận tiền bảo hiểm xe cơ giới đường bộ mà chưa có kết quả (Ảnh: Nguyễn Trường).
Sau khi xe ô tô bị mất trộm, anh Quang lập tức trình báo với công an phường Trung Tự, đồng thời thông báo vụ việc với VNI Thủ đô để được hướng dẫn thủ tục bồi thường.
Ngày 10/12/2018, Công an phường Trung Tự chuyển hồ sơ tin báo tội phạm của anh Quang lên Công an quận Đống Đa để giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, do hết thời hạn xác minh nên ngày 11/2/2019, cơ quan công an đã ban hành thông báo về việc tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác của anh Quang.
"Khi có thông báo tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác, tôi lập tức gửi giấy tờ này cho VNI Thủ đô. Tuy nhiên, họ bảo vẫn chưa thể trả tiền bồi thường vì hồ sơ chưa đầy đủ" - anh Quang cho hay.
Theo quy định, để nhận được tiền bồi thường thì hồ sơ bồi thường phải gồm các loại tài liệu sau: Đơn trình báo mất trộm, mất cướp có xác nhận của cơ quan công an; Quyết định khởi tố và điều tra hình sự (nếu có) liên quan đến mất trộm, mất cướp ô tô được bảo hiểm; Quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ khởi tố vụ án hình sự liên quan đến mất trộm, mất cướp ô tô được bảo hiểm; Khai báo bị mất giấy tờ, tài liệu liên quan đến xe bị mất cắp, mất cướp khi để trên xe, có xác nhận của cơ quan công an.
Do anh Quang không cung cấp được các quyết định tố tụng của cơ quan công an nên bảo hiểm chưa tiến hành bồi thường.
"Tôi cảm thấy rất vô lý. Quyết định khởi tố và điều tra hình sự được VNI Thủ đô quy định trong hợp đồng là "nếu có". Vậy nếu không có quyết định khởi tố và điều tra hình sự thì làm sao có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ khởi tố? Hoặc bên VNI Thủ đô phải chứng minh được rằng, theo quy định của pháp luật vẫn có trường hợp không có quyết định khởi tố mà công an vẫn ra quyết định đình chỉ. Nếu có việc này thì tôi chấp nhận điều khoản hợp đồng của VNI Thủ đô là đúng và tiếp tục yêu cầu cơ quan công an giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho tôi" - anh Quang lập luận.
Sau khi làm đơn khiếu nại nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ VNI Thủ đô là "chưa có đủ căn cứ pháp lý để giải quyết bồi thường", anh Quang đã khởi kiện vụ việc này ra tòa.
Sơ thẩm thắng kiện, phúc thẩm thua
Ngày 30/11/2020, TAND quận Thanh Xuân đưa vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới giữa anh Quang và VNI Thủ đô ra xét xử cấp sơ thẩm. Án sơ thẩm tuyên VNI Thủ đô phải bồi thường cho anh Quang số tiền hơn 284 triệu đồng cho chiếc xe bị mất cắp.
Hình ảnh xe ô tô trước bị mất cắp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tòa sơ thẩm nhận định, việc VNI Thủ đô chưa bồi thường cho anh Quang với lý do chưa có quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan công an là không có cơ sở. Thực tế, thiệt hại của anh Quang là có thật.
Trong trường hợp VNI Thủ đô không có căn cứ về việc anh Quang gian dối để trục lợi bảo hiểm thì VNI Thủ đô không có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi cho mình. Từ đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Quang, yêu cầu VNI Thủ đô phải bồi thường hơn 284 triệu đồng.
Tuy nhiên, tòa cấp phúc thẩm nhận định, việc hồ sơ yêu cầu bồi thường của anh Quang không có các quyết định từ cơ quan công an mà chỉ có thông báo về việc tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác là chưa đầy đủ, chưa chứng minh được tổn thất toàn bộ xe ô tô bị mất trộm như trình báo, chưa đủ điều kiện theo thỏa thuận đã ký tại hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới. Bên cạnh đó, tại phiên tòa này, anh Quang cũng không xuất trình thêm được tài liệu chứng cứ nào khác chứng minh.
Do đó, tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của VNI Thủ đô, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Quang. Sau này, nếu có đủ căn cứ, điều kiện và anh Quang có yêu cầu thì sẽ giải quyết bằng một vụ án khác.
Cảm thấy vô lý khi bên VNI thủ đô cứ "vin" vào việc phải có quyết định khởi tố, quyết định đình chỉ khởi tố vụ án, anh Quang cho biết sẽ tiếp tục kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
"Công ty bảo hiểm là bên kinh doanh rủi ro. Khi khách hàng gặp rủi ro thì công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm. Vụ việc của tôi, rõ ràng chỉ xảy ra 2 trường hợp, một là xe ô tô bị mất, hai là không mất và tôi gian dối để trục lợi bảo hiểm. Nếu các bên không chứng minh được tôi lừa đảo thì phải ra quyết định khẳng định tôi bị mất trộm ô tô. Đằng này cứ để vụ việc bị "treo" mãi. Bên cạnh đó, việc tòa án yêu cầu tôi phải chứng minh tổn thất khi mất xe là điều vô lý. Ngay cả cơ quan công an còn chưa khẳng định được tôi bị mất xe ô tô thì một công dân như tôi sao đủ công cụ, quyền hạn đi chứng minh điều này?" - anh Quang than thở.
Quy định "đánh đố" người mua bảo hiểm?
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc công ty bảo hiểm và tòa án cấp phúc thẩm đòi hỏi người dân phải thay mặt cơ quan công an chứng minh mình bị mất trộm là chuyện "đánh đố", không thể đáp ứng được (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Phân tích về việc cơ quan công an ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết đơn trình báo, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - cho biết, tại Điểm b Khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, khi quá thời hạn, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác nếu đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
"Có thể hiểu việc tạm đình chỉ giải quyết đơn trình báo hoàn toàn không đồng nghĩa với việc khẳng định anh Quang có bị mất hay là không bị mất trộm xe ô tô, mà chỉ là chưa làm rõ được vụ việc. Cụm từ "tạm đình chỉ" cũng đã thể hiện ý nghĩa là vụ việc còn đang dở dang, tạm thời được gác lại, mà chưa đi đến kết thúc" - ông Đức phân tích thêm.
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác không còn thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác.
Điều đó có nghĩa là, khi còn lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác của anh Quang thì không thể xác định được khi nào cơ quan công an mới có quyết định tiến hành hay đình chỉ việc khởi tố và điều tra.
Vì vậy, luật sư Đức cho rằng, việc công ty bảo hiểm và tòa án cấp phúc thẩm đòi hỏi người dân phải thay mặt cơ quan công an chứng minh mình bị mất trộm là chuyện "đánh đố", không thể đáp ứng được và có thể dẫn đến việc không bao giờ anh Quang nhận tiền bồi thường bảo hiểm.
Theo thỏa thuận tại Điều 10 về "Hồ sơ bồi thường" của hợp đồng bảo hiểm thì cần phải hiểu theo nghĩa là chỉ cần giấy tờ thuộc về một trong 4 trường hợp là được bồi thường bảo hiểm. Tức là chỉ cần đơn trình báo mất trộm xe hoặc Đơn trình báo mất giấy tờ để trên xe liên quan đến xe có xác nhận của cơ quan công an. Việc này cũng có phần tương tự như việc người dân trình báo mất căn cước công dân thì sẽ được cấp lại.
"Còn nếu hiểu máy móc là phải đủ cả 4 loại giấy tờ thì rất bất hợp lý vì sẽ trở thành trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn, loại trừ lẫn nhau. Chẳng hạn nếu như đã có quyết định đình chỉ khởi tố rồi thì còn cần gì đến quyết định khởi tố hay quyết định đình chỉ điều tra? Càng vô lý hơn trong trường hợp vụ án đã được chuyển sang giai đoạn truy tố, xét xử, thậm chí đã có bản án có hiệu lực pháp luật thì có thể không bao giờ có quyết định đình chỉ hay tạm đình chỉ việc khởi tố, điều tra" - ông Đức nhận định.
Một bài học khi ký kết các hợp đồng
Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, người dân cần đặc biệt chú ý đến các điều khoản nghĩa vụ trong hợp đồng bảo hiểm để tránh sơ hở, rủi ro khi có sự việc xảy ra (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trước vụ việc trên, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, về nguyên tắc, hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới giữa anh Quang và VNI Thủ đô là hợp đồng dân sự, có hiệu lực kể từ thời điểm hai bên giao kết. Vì vậy, khi có rủi ro xảy ra, đều phải căn cứ vào các điều khoản hợp đồng mà hai bên đã ký kết để tiến hành xử lý, giải quyết.
Tuy nhiên, trong hợp đồng bảo hiểm đã dự liệu trước Quyết định khởi tố và điều tra hình sự có thể sẽ có hoặc không được ban hành; hơn nữa, theo quy trình, bắt buộc phải có Quyết định khởi tố vụ án hình sự mới có thể ra Quyết định đình chỉ khởi tố vụ án hình sự.
Mặt khác, các quyết định này là văn bản phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và anh Quang không thể tự mình xác lập. Trên thực tế, anh Quang đã bị mất xe nhưng do quá thời hạn xác minh mà cơ quan điều tra vẫn chưa thu thập đủ tài liệu nên mới tiến hành tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, do đó không thể nào phát sinh được Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định đình chỉ vụ án hình sự như hợp đồng bảo hiểm yêu cầu.
Cũng theo luật sư Tiền, những thông tin bên trên thể hiện anh Quang đang gặp bất lợi rất lớn khi không có đủ căn cứ chứng minh chiếc xe của mình bị mất trộm và không đủ tài liệu theo hợp đồng đã thỏa thuận để được cơ quan bảo hiểm bồi thường.
"Vụ việc trên là một bài học cảnh tỉnh cho người dân trong việc ký kết các hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới nói riêng. Về mặt pháp lý, bản chất của các loại hợp đồng nói trên là hợp đồng dân sự, các bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận về các điều khoản hợp đồng để đi đến thống nhất và ký kết hợp đồng. Người dân cần đặc biệt chú ý đến các điều khoản nghĩa vụ để tránh sơ hở, rủi ro khi có sự việc xảy ra" - ông Tiền khuyến cáo.
Nguyễn Trường - Thế Kha/dantri.com.vn