Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng quả bưởi. Qua đó, góp phần đảm bảo thị trường tiêu thụ, tăng giá trị, thu nhập cho người dân.
Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc bưởi
Trong những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng bưởi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá bưởi thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Trước thực tế đó, người trồng bưởi đã tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng bưởi, trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng là một điển hình.
Ông Dũng cho biết: Gia đình tôi trồng bưởi từ năm 2013 với diện tích 0,4 ha, chủ yếu là bưởi Diễn tôm xanh, bưởi da xanh. Ban đầu, gia đình tôi chỉ canh tác theo hướng truyền thống, mẫu mã quả không đều, quả nhỏ, thị trường tiêu thụ vì thế cũng khó khăn. Với mong muốn nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, năm 2017, tôi đã ứng dụng quy trình chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, gia đình chú trọng kỹ thuật bón phân, chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục, ngô, đỗ tương ngâm ủ để cây có tỷ lệ ra hoa và đậu quả tốt, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có mẫu mã đẹp, bắt mắt và đều quả. Khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ bưởi ổn định, gia đình không phải chở ra chợ mà có tư thương đến tận vườn đặt thu mua. Vụ bưởi năm 2024, gia đình dự ước thu được hơn 10.000 quả, thu nhập ước khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Không chỉ hộ ông Dũng, thời gian qua, một số hợp tác xã, tổ hợp tác cũng ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị quả bưởi. Ông Vy Văn Can, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất bưởi xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và để sản phẩm có sức cạnh tranh với các sản phẩm khác, chúng tôi nhận thấy cần phải có sự thay đổi trong tư duy sản xuất, vì vậy, năm 2023, tổ hợp tác thành lập với 19 thành viên cùng nhau liên kết và áp dụng quy trình chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 7 ha. Qua quá trình chăm sóc, thu hoạch, chúng tôi nhận thấy cây bưởi ra quả đồng đều hơn, mẫu mã quả đẹp, được tư thương tới tận vườn thu mua. Vụ bưởi năm nay, mặc dù do ảnh hưởng của mưa bão song sản lượng giảm không đáng kể, tổ hợp tác ước tính thu được hơn 100.000 quả, thu nhập mỗi thành viên đạt từ 50 đến 70 triệu đồng.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình trong ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng bưởi đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo tìm hiểu được biết, bưởi là một trong những loại quả được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt, nhu cầu sử dụng để trang trí, làm quà trong dịp Tết Nguyên đán cao, khoảng hơn chục năm trở lại đây, người dân trên địa bàn đã đưa cây bưởi vào trồng và sản xuất thành sản phẩm hàng hóa. Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.200 ha bưởi (tập trung nhiều tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng). Năm 2024, dự ước năng suất đạt 84,74 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8,74 nghìn tấn.
Để nâng cao chất lượng quả bưởi, trong khoảng 5 năm trở lại đây, bên cạnh sự chủ động của người trồng bưởi, các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân thực hiện mô hình trồng bưởi theo quy trình VietGAP.
Đơn cử như tại huyện Hữu Lũng, bên cạnh các loại cây ăn quả như: na, dứa... từ năm 2018 đến nay, phòng chuyên môn huyện luôn chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, toàn huyện có gần 500 ha bưởi, trong đó, có 25 ha bưởi VietGAP, các diện tích còn lại đều được sản xuất an toàn. Năm 2024, sản lượng ước đạt trên 445 tấn.
Cùng với huyện Hữu Lũng, những năm qua, các huyện Chi Lăng, Bắc Sơn cũng chú trọng hướng dẫn người dân ứng dụng chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, người dân được hướng dẫn ghi chép nhật ký hằng ngày để theo dõi quá trình sản xuất bưởi, kỹ thuật bón phân, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, đảm bảo nguồn nước để giữ độ ẩm cho cây... Cùng với đó, cơ quan chuyên môn cũng tuyên truyền người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bưởi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 510 ha bưởi được người dân canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đánh giá của phòng chuyên môn các huyện có diện tích bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP và các hộ dân thực hiện mô hình, chất lượng quả bưởi chăm sóc theo quy trình VietGAP được nâng lên, mẫu mã đẹp hơn, quả to đều, múi mọng nước và ngọt, thị trường tiêu thụ ổn định hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Việc phát triển sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt, đây là điều kiện thuận lợi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bước đầu mở ra cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu bưởi cho người dân trong tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cán bộ chuyên môn triển khai điều tra, phát hiện sâu bệnh hại, ban hành các văn bản hướng dẫn chăm sóc, phòng trị bệnh cây trồng nói chung, trong đó, có cây bưởi để người dân áp dụng vào sản xuất; đồng thời, xây dựng, triển khai các mô hình ứng dụng sản xuất nông nghiệp tốt cho người trồng bưởi trên địa bàn.
Thời điểm này, các hộ trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch bưởi. Một số vườn đã có tư thương đến đặt trước và chờ ngày đến cắt quả, giá trung bình đạt từ 12.000 đến 30.000 đồng/quả tùy từng loại bưởi và thời điểm bán. Việc canh tác bưởi theo hướng an toàn, sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP của người dân hiện nay đã và đang sản xuất ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, giúp tăng giá trị của sản phẩm, nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng và cả người sản xuất.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/ung-dung-ky-thuat-nang-cao-chat-luong-buoi-5031627.html