10 sự kiện nổi bật năm 2021 về bảo hiểm xã hội

Thứ 7, 01.01.2022 | 00:00:00
841 lượt xem

Triển khai thành công các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu hút hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện… là các nội dung đáng quan tâm trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2021 của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.


Lao động làm việc tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh (Ảnh minh họa: Đăng Khoa).

Triển khai thành công các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu hút hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện… là các nội dung đáng quan tâm trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2021 của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

1. Thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người dân

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, kịp thời triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia và an toàn phòng, chống dịch Covid-19, như: đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả gộp 2 tháng lương hưu, chi trả lương hưu tại nhà, linh hoạt trong chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Trong năm 2021, ước tính, ngành bảo hiểm xã hội giải quyết khoảng 95.762 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; bảo đảm chi trả kịp thời, an toàn cho khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Ngành cũng chi trả 6.698.566 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 626.397 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; 118,721 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú.

Những kết quả này một lần nữa cho thấy nỗ lực của toàn ngành trong việc bảo đảm quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách. Theo đó, quyền lợi an sinh của người dân tiếp tục được quan tâm bảo đảm tốt hơn trong đại dịch, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

2. Triển khai thành công các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Trước những khó khăn kéo dài do đại dịch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động.

10 sự kiện nổi bật năm 2021 về bảo hiểm xã hội -0

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra công tác hỗ trợ người lao động tại Công ty TNHH Toto Việt Nam. (Ảnh: VSS) 

Đặc biệt là gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. Đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.

Để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất gói hỗ trợ đến tận tay người lao động, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống công nghệ thông tin, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả.

Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, chỉ sau 7 ngày, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị. Con số này tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng. Cùng với đó, giải quyết cho 842 đơn vị (với 159.885 lao động) tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.111 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành phố…

Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, chỉ sau 5 ngày, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng (giảm từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng; đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12.941.196 lao động với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.

Tiến độ chi trả nhanh, gọn, dứt điểm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đúng lúc người lao động, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn có ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống người lao động, nhất là những lúc khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

3. Hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

10 sự kiện nổi bật năm 2021 về bảo hiểm xã hội -0

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hà Nội. (Ảnh: Bảo hiểm xã hội Hà Nội) 

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,33% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Đáng chú ý trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng chính sách.

Trong năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).

Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện trong điều kiện khó khăn chung, một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực cao của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Điều này thể hiện sự tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với các địa bàn, khu vực tương ứng với từng cấp độ dịch Covid-19.

Song hành với đó là những nỗ lực trong đổi mới nội dung, hình thức truyền thông vận động người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19.

4. Bước chuyển quan trọng trong chuyển đổi số về bảo hiểm xã hội

10 sự kiện nổi bật năm 2021 về bảo hiểm xã hội -0

Hướng dẫn người lao động cài đặt VssID. (Ảnh: VSS) 

Năm 2021, công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội đã có bước chuyển mình quan trọng.

Đề án tổng thể về Chuyển đổi số, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng. Bên cạnh đó, đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân, là nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (là một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử)

Với ứng dụng “VssID - bảo hiểm xã hội số”, ước đến hết ngày 31/12/2021, đã có gần 25 triệu người cài đặt, sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, thực hiện các dịch vụ công. Hơn 500 nghìn lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc…
Có thể thấy, VssID đã đem đến thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số của ngành.

Ngành cũng liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Từ đó, đến nay đã thực hiện xác thực thông tin của gần 10,3 triệu công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Nhờ thành công trên, trong 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đánh giá là cơ quan triển khai hiệu quả và được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành; đứng thứ nhất bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

5. Ban hành Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. 

Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm gồm 9 nhóm thông tin. Trong đó, các nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những dữ liệu gốc. Đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu khai thác dữ liệu, xác thực thông tin người tham gia, người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động thực hiện cung cấp kịp thời các thông tin này.

Từ đó, các địa phương sử dụng vào công tác lập danh sách xét nghiệm; danh sách tiêm chủng vaccine; xác định thông tin bệnh nền; theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0, khoanh vùng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động... để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

6. Đổi mới, sáng tạo thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử

Trong năm qua, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch Covid-19, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành tập trung đổi mới từ phương pháp, cách thức thanh tra, kiểm tra, kết hợp giữa giải pháp truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử. Giải pháp này tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra, với mức giảm khoảng 48%, từ 20 giờ xuống còn 10,5 giờ.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử đã xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên Hệ thống giám định bảo hiểm y tế điện tử (kết nối với hơn 12.500 cơ sở khám, chữa bệnh, gần 100%), từ chối thanh toán, giảm chi Quỹ Bảo hiểm y tế (ước hết tháng 11/2021 là 626,62 tỷ đồng). Đây là cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giải quyết, thanh toán các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nếu được giao mà không cần tăng thêm tổ chức, biên chế.

7.  Vượt chỉ tiêu Chính phủ giao về chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không dùng tiền mặt

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng giai đoạn 2020-2025.

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho người tham gia khi nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Hơn 57% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân ở khu vực đô thị. Con số này tăng 9% so với năm 2020 (tăng 28% so với năm 2019 là thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP), vượt 7% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh khi triển khai gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ.

Quá trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ giúp chi trả kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch các khoản hỗ trợ, mà còn bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân do không phải nhận hỗ trợ theo hình thức trực tiếp, hạn chế đi lại, góp phần hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

8. Đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19

Công tác truyền thông của ngành tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Trong năm 2021, hơn 72.000 hội nghị truyền thông trực tiếp với hơn 1,5 triệu lượt người tham dự. Hơn 2.600 hội nghị truyền thông trực tuyến được tổ chức, hàng trăm nghìn sản phẩm truyền thông được chia sẻ trên môi trường Internet và mạng xã hội.

Bên cạnh hình thức truyền thông trực tiếp, truyền thông mạng xã hội, truyền thông trực tuyến được đẩy mạnh để tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng về giá trị nhân văn, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục được tăng cường, nhất là trên sóng truyền hình, sóng phát thanh vào các khung giờ “vàng” thu hút nhiều khán, thính giả. Một năm qua, hơn 31,3 nghìn tin, bài, phóng sự tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đăng tải, phát sóng. Con số này tăng gần gấp dôi so với năm 2020. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 90 tin, bài, phóng sự trên các báo để lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến người dân.

Thông qua đó, công tác truyền thông đã tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận trong triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các cấp, các ngành. Đồng thời, nhận thức của người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được nâng cao, niềm tin vào chính sách tiếp tục được củng cố. Điều này góp phần mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

9. Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc người tham gia, thụ hưởng 

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đi đầu trong xây dựng và vận hành một hệ thống chăm sóc khách hàng, kịp thời tiếp nhận, giải đáp, hỗ trợ, tư vấn cho các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Công tác chăm sóc khách hàng đã hỗ trợ, tư vấn 406.922 lượt, tăng 26%, qua hệ thống tổng đài. Cổng Thông tin điện tử, Fanpage của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng giải đáp gần 8.000 câu hỏi của độc giả quan tâm, tăng gấp 10 lần.

Định hướng này tạo ra những đột phá trong chuyển đổi tác phong từ hành chính sang dịch vụ, từ chăm sóc thụ động sang chăm sóc chủ động, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày một tốt hơn.

Trong năm, ngành đã ban hành Quy trình thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân trong tham gia, thụ hưởng chế độ. Hoạt động của hệ thống chăm sóc của ngành được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao.

10. Tăng cường các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội

Năm 2021, ngành tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh, phát triển các hoạt động hợp tác song phương, đa phương; đã từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực và trách nhiệm của Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA), Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) và hơn 50 nước, tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thích ứng hiệu quả với định hướng đối ngoại, hội nhập quốc tế trên nền tảng số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục duy trì, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trực tuyến.

Hội nghị trực tuyến ASSA 38 diễn ra thành công tại điểm cầu Việt Nam; tạo sự đồng thuận và gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.


XUÂN ANH/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/10-su-kien-noi-bat-nam-2021-ve-bao-hiem-xa-hoi--680761/

  • Từ khóa