Chưa năm nào mà ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, tức ngày 1/2, không khí Tết tại Quảng Bình lại yên bình và dè dặt như vậy. Đây là cảm nhận chung của nhiều người khi được hỏi về cái Tết thích ứng an toàn với dịch Covid-19 năm 2022. Ngại đi đến chỗ đông, hạn chế tụ tập, người dân Quảng Bình phần lớn dành thời gian nghỉ Tết cho gia đình.
Người dân đến tham quan, chụp ảnh check-in tại Quảng trường Hồ Chí Minh thành phố Đồng Hới theo nhóm nhỏ để bảo đảm phòng dịch.
Quả thật là cái Tết dè dặt. Dè dặt đến nỗi, khác với mọi năm, thương lái, thậm chí là các hộ không làm nghề kinh doanh cũng mua chuối quả ở các nơi về bán trong dịp Tết kiếm thêm chút thu nhập thì năm nay, lượng người bán chuối ít, trong khi chuối là thứ hoa quả thờ cúng không thể thiếu nên thành ra “sốt hàng”. Nhiều người mua chậm, không còn chuối đẹp để mua. Số lượng hạn chế là vậy nhưng giá chuối cũng không cao như các năm trước.
Và chuyện hoa Tết. Năm nay, phần lớn thu nhập của người lao động đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch nên việc mua sắm Tết của người dân miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng khá dè dặt, không còn “vung tay” như các Tết trước. Trong đó, hoa Tết là mặt hàng được cho là sự lựa chọn cuối cùng trong thực đơn của những ngày Tết năm nay.
Ở Quảng Bình hoa gì cũng có: đào từ các tỉnh phía bắc chuyển vào; mai vàng từ phía nam chuyển ra; các loại hoa cúc thì bên cạnh số lượng trồng tại địa phương thì cũng được mang từ nhiều nơi khác tới, góp nên các chợ, điểm hoa Tết đủ sắc màu, chủng loại. Song, hoa Tết Quảng Bình năm nay rơi vào cảnh cung lớn hơn cầu, do thu nhập giảm nên nhiều người ít chọn mua hoa.
Người dân đi lễ chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đầu năm.
Chị Nguyễn Thị Mai ở phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới chia sẻ, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, bà con ngại đi chúc Tết và gia đình cũng hạn chế đón khách, mà như vậy thì cũng không cần mua sắm hoa Tết gì nhiều, chỉ cần chưng lọ hoa ly hoặc hoa lay-ơn là đủ đẹp cho không gian phòng khách gia đình.
Không riêng chị Mai mà nhiều người khác cũng nghĩ vậy. Vì thế, chợ hoa Tết thành phố Đồng Hới bán rất chậm. Đến trưa 29 Tết mà hoa Tết các loại vẫn tràn ngập chợ hoa Tết trên đường Hùng Vương, khuôn viên Bảo tàng tổng hợp tỉnh, công viên Cầu Rào.
Người dân viết sớ cầu an đầu năm ở chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy.
Anh Nam, người kinh doanh hoa đến từ tỉnh Quảng Nam buồn rầu nói: “Tôi bán hoa mai vào dịp Tết gần 10 năm nay ở Quảng Bình nhưng bao giờ ế như năm nay. Biết là thị trường ảm đạm, tôi chỉ đặt mua 1/3 số gốc mai so với các năm trước mà vẫn bán không hết. Không còn cách nào hơn, tôi buộc phải đưa lên xe chở về chăm sóc chờ Tết sang năm chứ chặt bỏ thì uổng phí”.
Trong khi người bán mai kiểng đưa cây trở về quê thì những người bán hoa cúc tại Đồng Hới đành bỏ lại rất nhiều chậu hoa vàng rực giữa chiều giá rét cuối năm, chấp nhận lỗ để tìm đường về với gia đình. Ở khuôn viên Bảo tàng tỉnh, nhiều chậu hoa cúc mà người bán để lại được xếp ngăn ngắn. Không gian đẹp nhưng khóe mắt cay xè!
Theo quan sát của chúng tôi, những ngày nghỉ Tết này, ít còn cảnh tụ họp, gặp gỡ số đông mà hầu như ai cũng dành thời gian cho gia đình, tạo nên không gian ấm cúng, tình cảm vừa bớt đi nỗi lo… vô tình va chạm với F0 trong cộng đồng. Trời rét đậm nhưng không mưa, các tuyến đường ở thành phố Đồng Hới đến các đường làng, ngõ xóm ở Quảng Ninh, Lệ Thủy thưa vắng người và phương tiện đi lại. Đón Tết trong đại dịch nên nạn đốt pháo trái phép năm nay ở Quảng Bình cũng giảm hẳn, chỉ còn xảy ra ở một vài nơi trong thời gian rất ngắn. Các tệ nạn ngày Tết như đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa cua bầu, say xỉn… ít xảy ra bên hè phố, đường làng.
Ngược lại, ngày mùng 1 Tết, nơi đông nhất chính là các nghĩa trang, nhà thờ họ tộc. Nhiều người chuyển từ thời gian thường bù khú, gặp gỡ để đi dâng hương, hoa tưởng nhớ người đã khuất, tạo nên nét trầm sâu lắng trong những ngày Tết.
Sáng nay, ở chùa cổ Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, mọi người đi thành nhóm đến lễ đầu năm, ai cũng đeo khẩu trang và ít tiếp xúc trực tiếp bằng những cái bắt tay. Sau khi lễ, mọi người vào xin sớ rồi lặng lẽ ra từng chiếc bàn nhỏ để viết cầu mong điều may may mắn cho gia đình, cá nhân mình. Không khí ở chùa cũng vì thế tĩnh lặng hơn trong ngày đầu năm mới Nhâm Dần.
Đón xuân mới trong sự dè dặt, song người dân miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để được sống trong cảnh bình thường mới với niềm tin mới.
Theo nhandan.vn