Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh Washington cần mua lại đảo lớn nhất thế giới, Greenland, nhưng giới quan sát cho rằng, ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đối mặt với một số rào cản nếu tiếp tục thúc đẩy ý tưởng mua Greenland, các chuyên gia nói với Newsweek. Điều này không chỉ gây ra khủng hoảng ngoại giao tiềm tàng mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn về mặt chính trị.
Ông Trump đã đẩy mạnh ý tưởng mua Greenland, thậm chí không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự trong một cuộc họp báo. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông dường như đang có xu hướng mở rộng lãnh thổ, điều này đã gây phản ứng trên toàn cầu ngay trước lễ nhậm chức vào ngày 20/1.
Ông Trump gọi việc mua Greenland là "một nhu cầu tuyệt đối" cho an ninh quốc gia Mỹ.
Trong một cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida vào đầu tuần, ông nhấn mạnh rằng Mỹ cần Greenland và kênh đào Panama để "đảm bảo an ninh kinh tế".
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, ông sẽ phải đối mặt với 5 trở ngại trong tham vọng thâu tóm Greenland về Mỹ.
Thứ nhất, đó là sự phản đối mạnh mẽ từ Greenland và Đan Mạch. Các nhà lãnh đạo chính trị của Greenland và Đan Mạch đã kịch liệt phản đối ý tưởng chuyển giao đảo lớn nhất thế giới cho Mỹ.
Thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen, cho biết bà đồng ý với phát biểu trước đó của lãnh đạo Greenland, ông Múte Bourup Egede, rằng "Greenland không phải để bán".
Khi ông Trump lần đầu đề cập đến ý tưởng này vào năm 2019, bà Frederiksen đã bác bỏ nó là điều "phi lý".
Thứ 2 là khát vọng độc lập của Greenland. Trong nhiều năm qua, Greenland đã thảo luận về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập hoàn toàn khỏi Đan Mạch, nơi hòn đảo đã có quyền tự trị từ năm 1979.
Một cuộc khảo sát được công bố năm 2019 bởi Đại học Copenhagen và Đại học Greenland cho thấy 67% người dân Greenland ủng hộ độc lập.
Summer Marion, giáo sư ngành nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Bentley ở Massachusetts, nói với Newsweek rằng việc Greenland tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch nhưng lại "từ bỏ" chủ quyền của mình cho Mỹ sẽ là "một sự mâu thuẫn".
Shane Barter, một nhà khoa học chính trị quốc tế tại Đại học Soka của Mỹ ở California, cho biết người dân Greenland sẽ bác bỏ việc "chuyển giao từ thuộc về một nước sang một nước khác".
Thứ 3, tham vọng mua Greenland của ông Trump có thể gây ra nguy cơ leo thang căng thẳng quốc tế. Nếu tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này, ông Trump có thể làm tổn hại đến quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Đan Mạch là thành viên của EU và NATO. Việc thúc đẩy kế hoạch này, đặc biệt là cảnh báo sử dụng biện pháp quân sự, có thể làm xấu đi quan hệ với Đan Mạch, các đồng minh châu Âu khác và làm suy yếu NATO.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot đã cảnh báo rằng EU sẽ không đứng yên nếu "biên giới có chủ quyền" của mình bị đe dọa.
Thứ 4, việc mua lại hòn đảo ở Bắc Cực có thể gây ra rủi ro về cạnh tranh giữa Mỹ và Nga, Trung Quốc. Vị trí chiến lược của Greenland, nằm giữa Bắc Cực và Đại Tây Dương, cùng với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, khiến nơi đây trở thành một khu vực có giá trị chiến lược lớn.
Mỹ hiện đã có sự hiện diện quân sự cố định tại Căn cứ Không gian Pituffik ở phía tây bắc Greenland. Việc mua lại lãnh thổ này có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga và khiến Mỹ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, quốc gia đã gia tăng hoạt động khai thác tại khu vực Bắc Cực trong những năm gần đây.
Cuối cùng, chưa rõ ông Trump muốn mua Greenland với giá bao nhiêu tiền. Chi phí tiềm năng để mua Greenland vẫn chưa được xác định, đặc biệt là do thiếu tiền lệ lịch sử gần đây cho một vụ mua lại lãnh thổ như vậy.
Chuyên gia Summer Marion đã chỉ trích ý tưởng này là "một cách tiếp cận lỗi thời" và cho rằng nguồn lực của Mỹ nên được sử dụng để giải quyết các vấn đề cấp bách hơn trong nước và quốc tế. Chuyên gia này cảnh báo các trở ngại mà Mỹ gặp phải trong việc mua lại lãnh thổ này có thể lớn hơn lợi ích chiến lược mà nó mang lại".
Trong khi đó, chuyên gia Zhiqun Zhu từ Đại học Bucknell cho biết: "Ông Trump có thể làm tổn hại hình ảnh toàn cầu của Mỹ với những phát ngôn về Greenland. Nếu sử dụng biện pháp quân sự, điều này có thể dẫn đến xung đột giữa Mỹ và các đồng minh NATO".
Theo dantri.com.vn