Chi tiết viện trợ quân sự cuối cùng của chính quyền ông Biden cho Ukraine

Thứ 6, 10.01.2025 | 09:30:52
39 lượt xem

Gói viện trợ quân sự cuối cùng của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho Ukraine trị giá 500 triệu USD.

Chi tiết viện trợ quân sự cuối cùng của chính quyền ông Biden cho Ukraine - 1

Máy bay F-16 của Mỹ phóng tên lửa AIM-9X Sidewinder (Ảnh minh họa: Không quân Mỹ).

Tại hội nghị Ramstein ở Đức ngày 9/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố gói viện trợ trị giá 500 triệu USD của Washington cho Ukraine.

Đây là gói viện trợ thứ 74 và cũng là gói cuối cùng của chính quyền Tổng thống Biden dành cho Kiev, được công bố chưa đầy 2 tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.

Gói viện trợ mới gồm các tên lửa phòng không AIM-7, RIM-7 và AIM-9M, tên lửa không đối đất, thiết bị cho tiêm kích F-16, hệ thống ghép cầu thép, thiết bị liên lạc bảo mật, vũ khí nhỏ và đạn dược, linh kiện và thiết bị hỗ trợ. Ngoài ra, gói viện trợ cũng bao gồm hoạt động huấn luyện quân sự.

Trong những tuần cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Biden đã nỗ lực giải ngân các khoản viện trợ cho Ukraine đã được quốc hội thông qua do lo ngại chính quyền kế nhiệm của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể cắt viện trợ cho Kiev.

Trong một diễn biến liên quan khác, Pravda dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine đã đạt được thỏa thuận về các gói hỗ trợ bổ sung với tổng trị giá 2 tỷ USD tại cuộc họp của Nhóm Liên hệ Quốc phòng Ukraine vào ngày 9/1.

"Tôi muốn cảm ơn tất cả các đối tác của chúng tôi, tất cả các bộ trưởng quốc phòng từ hơn 50 quốc gia. Hôm nay chúng tôi đã có cuộc họp rất hiệu quả với kết quả xuất sắc. Các gói hỗ trợ bổ sung trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine đã được thống nhất. Thêm vào đó, điều này rất quan trọng, 8 liên minh năng lực đã được chính thức hóa trên giấy tờ, với sự hỗ trợ từ 34 quốc gia", ông Zelensky nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov cùng ngày xác nhận, cuộc họp tiếp theo của Nhóm Liên hệ Quốc phòng Ukraine đã được thống nhất và sẽ diễn ra vào tháng 2, nghĩa là sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức. "Chúng tôi muốn Mỹ ở lại và tăng cường sự hiện diện của mình", ông Umierov nói.

Mặt khác, ông ngầm ý khẳng định ngay cả khi Washington rút lui, Kiev vẫn nhận được sự ủng hộ của châu Âu. "Chúng tôi đã thành lập NSATU (Hỗ trợ và Đào tạo An ninh của NATO cho Ukraine). Một số nước châu Âu muốn lãnh đạo hoặc đồng lãnh đạo tổ chức này bởi vì đó là được thực hiện với sự hợp tác của Ukraine", ông cho biết.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay, quyết định có duy trì thể thức họp liên minh Ramstein này hay không sẽ thuộc về chính quyền tiếp theo.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz dự đoán cuộc họp ngày 9/1 có thể là cuộc họp cuối cùng theo hình thức Ramstein.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/chi-tiet-vien-tro-quan-su-cuoi-cung-cua-chinh-quyen-ong-biden-cho-ukraine-20250110060549622.htm

  • Từ khóa