Sau mấy chục năm rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, Bác Hồ chỉ có 2 lần về thăm quê tỉnh Nghệ An. Những lần về quê của Người luôn để lại một hình ảnh đẹp về một nhân cách lớn nhưng vô cùng giản dị, gần gũi.
Quê hương nặng nghĩa ân tình
Ngày 16-6-1957, sau hơn 50 năm ra đi tìm đường cứu nước, lãnh đạo phong trào cách mạng và giành độc lập, tự do cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp trở lại thăm quê hương Nghệ An. Vừa về đến Nghệ An, một vị lãnh đạo địa phương mời Bác vào nhà khách để nghỉ. Bác liền bảo "xa nhà, xa quê đã lâu rồi Bác phải về thăm nhà trước". Nói rồi trong trang phục là bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su Bác đi theo lối nhỏ về ngồi nhà ngày xưa của gia đình tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Đến đầu cổng tre thấy một tấm bảng nhỏ "Nhà Bác Hồ". Nhìn tấm bảng xong, Bác quay lại nhìn mọi người cười bảo: "Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu". Mọi người đáp: "Dạ, thưa Bác, đúng ạ. Đây là ngôi nhà 5 gian mà làng Kim Liên xuất công quỹ xây dựng để mừng thân phụ Bác khi đậu Phó bảng năm 1901".
Bác Hồ trong một lần về thăm quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Tư liệu
Vừa đến nhà, Bác đứng lặng yên một lúc ngoài sân rồi mới bước vào trong. Khi nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Người bùi ngùi: "Hồi xưa, nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc...".
Rồi Bác đi ra nhìn quanh sân, vườn, Bác nói với mọi người: "Ngày trước, ở vườn có cây ổi đào, cây bưởi và hàng cau rất đẹp". Thấy Bác nhìn vườn khoai trước nhà, một vị cán bộ có ý xin Bác cho trồng khoai bằng hoa cho đẹp. Bác liền cười bảo: "Hoa khoai vẫn đẹp...".
Bác Hồ trò chuyện với mọi người trong căn nhà xưa của gia đình. Ảnh: Tư liệu
Ra phía sau nhà, một cụ già hàng xóm bước ra chào Bác và hỏi: "Bác còn nhớ tôi không?". Bác lấy tay vỗ trán một lúc, nói: "Có phải Điền không"?. Ông Hoàng Điền chạy lại ôm lấy người bạn chăn trâu, thả diều thuở ấu thơ, và khóc vì quá xúc động.
Sau đó, Bác ra thăm giếng Cốc là nơi Bác thường ra gánh nước về cho gia đình dùng. Bác hỏi thăm lò rèn cố Điền, nơi ngày nhỏ những lúc rảnh Bác thường ra chơi và giúp cụ cố Điền những việc nhỏ. Tiếp đến, Người hỏi thăm nhà cố Phương, một người dân nghèo nhất xã Kim Liên trước đây, giờ có đủ ăn hay không?. Nghe Bác hỏi chuyện mọi người ai cũng cảm động trước tình cảm của Người đối với quê hương.
Giản dị, gần gũi
Ngày 8-12-1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Vừa xuống máy bay ở Vinh, Bác không lên một chiếc xe ôtô kết hoa đợi sẵn ngoài cổng mà bất ngờ tiến đến chiếc xe của bộ phận bảo vệ và ngồi lên ghế phía trước để có thể vẫy chào đồng bào đang đứng đón ở hai bên đường.
Về nhà khách Tỉnh ủy Nghệ An, đến giờ ăn cơm, Bác đem gói cơm độn ngô mà Người mang theo đem ra dùng, sau đó mới ăn cơm trắng do tỉnh chuẩn bị. Trong bữa ăn, Bác khen tương Nam Đàn và cà Nghi Lộc ngon và ăn rất ngon miệng với hai món đặc sản quê hương.
Trong lần về thăm quê lần thứ 2, tại làng Hoàng Trù quê ngoại, Người gặp ông Luốc (Thuyên), người bạn thuở ấu thơ. Bác nhắc lại kỷ niệm thuở nhỏ đi câu cá, vô tình Luốc giật lưỡi câu làm tai mình bị rách, hiện vẫn còn sẹo khiến mọi người đều ngạc nhiên trước trí nhớ của Người.
Bác Hồ trò chuyện với người dân khi về thăm quê hương - Ảnh: Tư liệu
Về thăm quê lần thứ 2 (từ ngày 8 đến 11 -12-1961), Bác dành rất nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện cán bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An. Bác nói chuyện với Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Nghệ An; thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh; thăm Nông trường Đông Hiếu ở Nghĩa Đàn và HTX cao cấp Vĩnh Thành ở huyện Yên Thành…
Trong lúc trò chuyện với bà con tại xã Vĩnh Thành thì trời nắng đã lên cao. Một cán bộ thấy thế liền tìm cái ô để che cho Bác. Khi người này bật ô lên Bác gạt ra, chỉ tay xuống phía dưới và nói: "Chú có đủ ô che hết nắng cho bà con không? Bà con chịu được nắng, sao Bác lại không chịu được".
Trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà được độc lập, rồi đến tận những năm cuối đời, Bác Hồ chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê hương. Những lần về quê của Người luôn để lại một hình ảnh đẹp về một nhân cách lớn nhưng vô cùng giản dị, gần gũi.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su/bac-ho-va-ky-niem-nhung-lan-ve-tham-que-20220202103915205.htm