Việt Nam mong muốn và đề nghị các đối tác quốc tế tăng cường hợp tác, đồng hành, hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả, sớm thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề do bom, mìn sau chiến tranh, không còn người dân vô tội bị thương vong.
VNMAC ký Bản Ghi nhớ với Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy về hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. (Ảnh: MINH ANH)
Nước ta với hàng chục năm chiến tranh, hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn, đã làm chết gần bốn triệu người dân và ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc vẫn còn hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương tật do bom, mìn gây ra. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam vẫn còn hơn 17% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom, mìn và vật liệu chưa nổ.
Trong hơn 10 năm (từ 2010 đến 2020), từ khi thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (Chương trình 504), Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500 nghìn héc-ta đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom, mìn, vật nổ. Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được xây dựng trên các vùng đất đã được làm sạch bom, mìn, vật nổ.
Hơn 5.000 nạn nhân bom, mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hàng trăm nghìn người, nhất là trẻ em và người dân ở những vùng bị ô nhiễm bom, mìn nặng được tiếp cận các phương pháp phòng tránh tai nạn bom, mìn. Số vụ tai nạn bom, mìn giảm đáng kể, nhiều địa phương trong những năm gần đây không còn xảy ra tai nạn do bom, mìn do chiến tranh để lại.
Triển khai thực hiện Chương trình 504, trong điều kiện đất nước còn gặp không ít khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn bố trí nguồn lực khá lớn cho nhiệm vụ nhân văn sâu sắc, cao cả này. Cùng với đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội và nhất là huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Nhiều dự án về khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh do Chính phủ các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Na Uy, Đức, Australia, Nga... cùng các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc như: UNDP, UNICEF... và nhiều tổ chức, nhà tài trợ quốc tế khác đã thực hiện thành công ở Việt Nam. Giai đoạn 2010-2020, tổng kinh phí cho công tác này là hơn 12 nghìn tỷ đồng, gồm hơn 10 nghìn tỷ đồng ngân sách trong nước và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hơn hai nghìn tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn còn những khó khăn, hạn chế, kết quả còn thấp so yêu cầu đặt ra. Chưa đạt được chỉ tiêu diện tích rà phá bom, mìn làm sạch đất đai (tỷ lệ hoàn thành mới đạt gần 70%). Nhiều địa phương ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên có tỷ lệ diện tích đất đai còn ô nhiễm bom, mìn còn cao, như: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai... Việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước cho khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh chưa được tập trung; hoạt động rà phá bom, mìn chưa thật sự gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân: Do diện tích đất đai ô nhiễm lớn, tính chất ô nhiễm phức tạp; công nghệ và trang bị rà phá hạn chế, do đó tiến độ rà phá làm sạch đất đai còn chậm; nguồn lực bố trí cho công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; chưa huy động và sử dụng được một cách tối đa nguồn lực quốc tế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành và chưa đồng bộ.
Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom, mìn sau chiến tranh, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam một số giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách, hành lang pháp lý khắc phục hậu quả bom, mìn, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện; tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trong việc khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, có chính sách thu hút nguồn lực, nguồn vốn ODA; thúc đẩy hoạt động của Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam nhằm chủ động vận động tài trợ các nguồn lực quốc tế; mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng, hỗ trợ các đối tác truyền thống mở rộng địa bàn hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ mới trong rà phá bom, mìn; nghiên cứu, vận dụng và thực hiện phương thức quản lý bom, mìn một cách chủ động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đẩy nhanh điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan khắc phục hậu quả bom, mìn; phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom, mìn cho nhân dân; phấn đấu đến năm 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom, mìn, vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/huy-dong-nguon-luc-quoc-te-khac-phuc-hau-qua-bom-min-691841/