Những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã phát huy vai trò là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng đến với dân, luôn tiên phong gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào, cuộc vận động của địa phương.
Huyện Hữu Lũng hiện có hơn 123.000 người thuộc các dân tộc: Nùng, Kinh, Tày, Dao, Hoa, Cao Lan… Hiện tại, toàn huyện có 172 người có uy tín còn lại tại các thôn, khối phố ở các xã, thị trấn. Ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hữu Lũng là địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống. Những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào DTTS. Để người dân làm theo, họ không chỉ tuyên truyền, vận động mà luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, vì thế đội ngũ này đã có nhiều đóng góp điển hình cho công tác phát triển dân tộc và miền núi của tỉnh, tích cực vận động người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Người có uy tín thôn Cốc Lùng, xã Hòa Thắng (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đến người dân
Cụ thể những năm qua, nhờ sự góp sức và trí tuệ của người có uy tín, tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở Hữu Lũng tương đối phát triển. Chỉ tính từ năm 2015 đến 2021, trung bình mỗi năm, toàn huyện giảm 3,75% số hộ nghèo. Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện đã có 8/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn huyện ngày càng tiến bộ, hệ thống chính trị được giữ vững, quốc phòng – an ninh được đảm bảo…
Ông Triệu Văn An, người có uy tín thôn Lân Châu, xã Hữu Liên là một trong những người có uy tín lâu năm và tiêu biểu ở huyện Hữu Lũng. Không chỉ tham gia vận động đồng bào dân tộc Dao trong thôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ông còn vận động người dân tích cực lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững… Nhờ sự góp sức của ông An, từ năm 2015 đến 2021, trung bình mỗi năm, thôn Lân Châu giảm từ 9,1% đến 9,4% số hộ nghèo (kế hoạch là giảm từ 2 đến 3%/năm); có từ 92% đến 95% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa… Với những đóng góp đó, ông An được các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương. Đặc biệt, năm 2020, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS.
Ông Triệu Văn An cho biết: Bằng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và uy tín của mình, tôi đã cùng Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, trưởng các chi hội đoàn thể ở thôn tuyên truyền, vận động người dân thi đua sản xuất, phát triển kinh tế. Để người dân nghe và làm theo, tôi và gia đình cũng luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động như tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất xây dựng lớp học…
Cùng với ông An, những người có uy tín tại các thôn, khối phố ở các xã, thị trấn trong huyện cũng đang nỗ lực phát huy tốt vai trò “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng đến với đồng bào DTTS. Bà Đinh Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng cho biết: Xã có 13 người có uy tín tại các thôn. Những năm qua, họ luôn là những người gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, góp sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, Nhân dân trong xã đã đóng góp được gần 7 tỷ đồng, hơn 4.000 ngày công lao động, hiến hơn 5.700 m2 đất để làm các công trình công cộng, góp phần hoàn thành 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.
Để phát huy tốt vai trò của người có uy tín, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hữu Lũng và đơn vị liên quan đã quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước với người có uy tín trên địa bàn. Ông Đặng Hải Quân, Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội – Dân tộc (LĐTBXH-DT) huyện Hữu Lũng cho biết: Cụ thể từ năm 2015 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐTBXH-DT phối hợp với UBND xác xã, thị trấn tổ chức bình xét, qua đó đề nghị UBND tỉnh công nhận 1.548 lượt người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; cử 881 lượt người có uy tín tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức liên quan để phục vụ nhiệm vụ công tác; thăm hỏi, động viên, tặng quà hơn 1.500 lượt người có uy tín với số tiền hơn 750 triệu đồng… Trung bình mỗi năm, cơ quan có thẩm quyền ở huyện đã chi trả kinh phí để cấp hơn 51.900 tờ, cuốn tạp chí cho người có uy tín…
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, ngành ở Hữu Lũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách với người có uy tín trong đồng bào DTTS để đội ngũ này đóng góp nhiều hơn nữa trí tuệ, công sức của mình vì sự phát triển chung ở cộng đồng, thôn bản, khu dân cư trên địa bàn.
NGỌC HIẾU/baolangson.vn