Lần thứ 2 trong vòng chưa đến 10 năm lại xảy ra tranh luận về việc dạy, học và thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử. Lần này, sự tranh luận xảy ra khi ngành giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới - ban hành năm 2018.
Trước sức ép của hướng nghiệp và sự quá tải của chương trình, các nhà làm chính sách và thiết kế chương trình đã chuyển một số môn học thành môn cho phép học sinh (HS) cấp THPT lựa chọn, trong đó có lịch sử.
Nghe thì rất đúng khi tiếp cận HS làm trung tâm của chính sách và cá thể hóa nhu cầu học tập của các em. Song, nếu xem xét kỹ thì việc đưa một số môn học thành môn lựa chọn cũng không chứa đựng nội dung hướng nghiệp và chẳng thể nào giảm tải. Đó là chưa kể đến sự xung đột giữa mục tiêu môn học (giáo dục truyền thống yêu nước, với môn lịch sử) và mục tiêu chính sách (hướng nghiệp).
Học sinh Trường THCS- THPT Nguyễn Tất Thành học lịch sử mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia . Ảnh: Tuấn Sơn
Nếu nói đến hướng nghiệp thì cấu trúc nội dung môn lịch sử, phương pháp giảng dạy và thi kiểm tra đánh giá cần phải được xem xét lại. Về nội dung, nếu chỉ nhấn mạnh, làm sâu sắc các sự kiện lịch sử mà HS đã học từ lớp 1 đến lớp 9 thì dẫn đến sự bội thực thông tin sử liệu và tải trọng học tập vẫn không thể giảm. Còn nói hướng nghiệp cho HS tham gia dự thi vào khối khoa học xã hội và nhân văn thì sẽ tự mâu thuẫn với việc hướng nghiệp; và trường đại học khối này hoặc các nhà sử dụng lao động không hề được tham gia xác định giới hạn phạm vi kiến thức cũng như cách thức học tập môn lịch sử.
Như vậy, nội dung để hướng nghiệp không có, sự giảm tải cũng chưa rõ ràng, lại chưa có bằng chứng đáp ứng nhu cầu học tiếp nối ở bậc đại học nên chương trình mới sẽ còn xuất hiện nhiều vấn đề.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là thầy giáo dạy lịch sử đã trở thành thiên tài quân sự của dân tộc ta. Người Việt Nam hàng ngàn năm chịu ách đô hộ của ngoại bang vẫn giữ được bản sắc dân tộc là nhờ ai, nếu không phải nhờ giáo dục truyền thống yêu nước bắt nguồn từ các thầy đồ trong những làng xã từ xa xưa?
Tuy nhiên, với môn lịch sử, cách tiếp cận thiết kế chương trình, dạy học nếu chỉ chú trọng đến giáo dục lòng yêu nước thì chỉ mới đạt được một phần mục đích thực sự của môn học này. Lịch sử còn dạy HS về tương lai, dạy cách hình thành thói quen của tư duy về quá khứ để xử lý những vấn đề hiện tại và những định hướng tương lai - như các nhà khoa học lịch sử ở Mỹ từng nói.
Môn lịch sử sẽ giúp làm tăng giá trị bản thân người học và trở thành hành trang trong suốt cuộc đời họ, do từng bước đi trong cuộc sống, trong nghề nghiệp là sự liên tục của những trải nghiệm từ quá khứ đến hiện tại. Cho dù là ai, ở vị trí nào cũng đều rất cần hình thành thói quen tư duy của lịch sử. Sự thất bại hay thành công trong quá khứ của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng phát triển đất nước... đều là những bài học quý giá cho bất kỳ ai, bất kỳ đất nước nào. Vì thế, đừng bao giờ xem nhẹ môn lịch sử.
TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)
https://nld.com.vn/thoi-su/dung-xem-nhe-mon-lich-su-2022042322035674.htm