Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên biển

Chủ nhật, 12.06.2022 | 09:35:54
423 lượt xem

Biển và đại dương đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hợp tác quốc tế. Nhận thức tầm quan trọng của biển, thời gian qua, Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.

Trồng cây hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam tại khu vực Công viên Văn hóa đá, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. (Ảnh TRUNG TUYẾN) 

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km và vùng biển lớn đứng thứ 27 trong 157 quốc gia ven biển và các quốc đảo. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, diện tích biển của nước ta khoảng 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển Việt Nam có địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự quan trọng trong khu vực và thế giới; là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Vì vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển.

Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ như: Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47% đến 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20% đến 22% tổng GDP cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế biển vẫn còn ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức. Đó là việc phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; tài nguyên biển bị suy thoái; ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm, các sinh cảnh bị mất và bị thu hẹp diện tích. Đáng lo ngại, hiện có khoảng 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng…

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36), với mục tiêu tổng quát: Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… Ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…

Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 36, Nghị quyết số 26/NQ-CP…, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương các giải pháp căn cơ nhằm quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; chủ động điều tra cơ bản tài nguyên; phân vùng không gian và sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; kiểm soát tốt môi trường biển… Đến nay, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo đã được thiết lập hệ thống từ Trung ương đến địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế biển.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát hiệu quả bảo tồn các hệ sinh thái trước tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường; phối hợp sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên biển, hải đảo, kiểm soát các hoạt động khai thác ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển; kiểm soát các nguồn trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ, nhất là nguồn thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi, trồng, chế biến thủy sản, các hoạt động thương mại, dịch vụ… dọc theo bờ biển, trên các đảo, cụm đảo.

Chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm 2022 (8/6) được Liên hợp quốc lựa chọn là “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững. Gắn với chủ đề nêu trên cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 và tình hình thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chọn chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 là “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” nhằm từng bước khắc phục những bất cập, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta; đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các cấp có thẩm quyền ra quyết định về vai trò quan trọng của biển, đảo trong đời sống, qua đó cổ vũ các hoạt động “vì sự bền vững của biển cả”.

Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển ở nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật về quản lý nhà nước về biển, đảo. Triển khai hiệu quả việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia bảo đảm việc tổ chức, phân bố, sắp xếp tổng thể hợp lý và hài hòa các hoạt động trên vùng biển, ven biển, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển, tăng cường khả năng phòng, chống thiên tai, sự cố môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích quốc gia trên biển, hải đảo...

Các địa phương triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường biển thông qua các chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển quy mô quốc gia, địa phương và cộng đồng dân cư ven biển; tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở lưu vực sông, khu vực các hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, bãi tắm, vùng nước ven biển. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp người dân về vị thế, vai trò và tiềm năng của biển; về chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với tài nguyên và trách nhiệm bảo vệ môi trường biển...


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/phat-trien-kinh-te-bien-gan-voi-bao-ve-tai-nguyen-bien-700960/

  • Từ khóa