Nằm trong vùng xây dựng công viên văn hóa Tràng An có mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, 13 năm qua, 80 hộ dân ở thành phố Ninh Bình phải "sống treo" vì dự án chưa có tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Đi không được, ở không xong
Những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa, gần 80 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình (Ninh Bình) người người, nhà nhà di tản đến bờ hồ, gốc cây để trốn nóng. Mang tiếng là ở thành phố nhưng người dân ở đây còn khổ hơn cả nông thôn.
Hàng chục hộ dân ở thôn Ích Duệ phải "sống treo" nhiều năm qua giữa khu dự án công viên văn hóa gần 2.000 tỷ đồng (Ảnh: TB).
Năm 2009, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công viên văn hóa Tràng An, có diện tích (sau khi được điều chỉnh bổ sung) 355 ha, với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Kể từ khi dự án được phê duyệt, 80 hộ dân thôn Ích Duệ nằm trong vùng quy hoạch chi tiết, phải di dời để giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công nạo vét, xây kè hồ cá Voi. Đến nay trải qua 13 năm, cả trăm nhân khẩu ở đây trong tình cảnh "sống treo" giữa thành phố vì muốn đi không được, ở cũng không xong.
Bà N.T.H. chia sẻ, sau khi nhận được thông báo về việc phải giải tỏa để thực hiện dự án, gia đình đã nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, sau khi đo đạc diện tích đất, kiểm đếm tài sản nhà ở, đến nay sau hơn 13 năm vẫn không thấy chính quyền triển khai thực hiện GPMB.
Dẫn chúng tôi thăm ngôi nhà cấp 4 đang bị xuống cấp trầm trọng, bà H. bức xúc: "Trời mưa thì dột đủ chỗ, ẩm thấp khắp nơi. Mưa nhiều nhà tôi phải dùng bạt che phủ mới hết cảnh trong nhà cũng như ngoài. Nắng nóng không có chỗ mà chui rúc. Cảnh sống cực chẳng đã này kêu suốt nhiều năm nay mà chưa thấu".
Nhà cửa xuống cấp nhưng nhiều hộ dân thôn Ích Duệ phải chấp nhận sống cảnh mưa thì dột, nắng thì nóng (Ảnh: TB).
Bà H. ngậm ngùi kể tiếp, năm 2017 chồng bà không may bị bệnh cần số tiền lớn để chữa trị, khi mang sổ đỏ đi thế chấp nhưng ngân hàng không nhận vì gia đình nằm trong vùng quy hoạch. Gia cảnh khó khăn, không vay mượn được ai để chữa trị nên chồng bà H. mất vào năm 2018.
"Hết nỗi khổ này đến nỗi khổ khác, hai con trai tôi giờ đã lớn, muốn tách thửa đất cho các con để khi lập gia đình còn có chỗ ở riêng nhưng cũng chịu vì cả nhà đang "sống treo" - bà H. nói.
Cách nhà bà H. không xa, gia cảnh bà Đ.T.M. cũng chẳng khá hơn khi cả gia đình sinh hoạt trong căn nhà cấp 4. Mỗi lúc xuống bếp nấu ăn là lúc mọi người trong gia đình phải cảnh giác cao độ vì mái nhà có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Xin xây mới không được, sửa chữa cũng không xong, gia đình bà đành phải chịu cảnh "tử thần" luôn rình rập trên đầu.
Người dân thôn Ích Duệ kéo nhau đến UBND thành phố Ninh Bình yêu cầu sớm giải quyết để sớm ổn định cuộc sống (Ảnh: TB).
Những năm qua anh N.T.T. cùng hàng chục hộ dân thôn Ích Duệ nhiều lần có đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng mong muốn của những cư dân trong thôn vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
"Chưa biết bao giờ nhà nước mới bố trí được kinh phí để đền bù, GPMB các hộ dân chúng tôi đến nơi ở mới. Cảnh "sống treo" thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, văn hóa không được mở mang, môi trường bị ô nhiễm kéo theo dịch bệnh… chúng tôi cầu xin chính quyền đừng vô cảm với chúng tôi nữa" - Anh T. nói.
"Sống treo" đến bao giờ?
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, dự án công viên văn hóa Tràng An do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, UBND thành phố Ninh Bình là đơn vị được UBND tỉnh giao thực hiện công tác GPMB.
Dự án công viên văn hóa Tràng An đã xây dựng xong nhiều hạng mục (Ảnh: Trường Huy).
Lãnh đạo UBND xã Ninh Nhất cho hay, năm 2019 người dân đã được công bố dự thảo phương án bồi thường nhưng thời điểm này giá đền bù cho đất vườn ao cùng thửa đất với nhà ở không được người dân chấp thuận vì giá thấp.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ninh Bình thông tin, việc người dân thôn Ích Duệ kiến nghị giá đất vườn ao cùng thửa với đất nhà ở thấp, thành phố đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để có chính sách đền bù hợp lý.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, dự án công viên văn hóa Tràng An được triển khai thi công từ năm 2009, đến nay một số hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.
"Do khó khăn về nguồn kinh phí, công tác GPMB vẫn còn tồn tại, một số hạng mục của dự án phải tạm dừng thi công do chưa GPMB được khu vực thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, đây là vị trí vét, xây kè hồ Cá Voi (có 80 hộ dân)" - lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình cho hay.
Cổng tam quan là điểm nhấn chính của dự án công viên văn hóa Tràng An với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng (Ảnh: FB).
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, hiện nay dự án công viên văn hóa Tràng An đã được tỉnh xác định là một trong các công trình trọng tâm triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 -2025. Vì thế, việc GPMB để triển khai dự án sẽ được triển khai sớm nhất trong thời gian tới.
"UBND tỉnh chỉ đạo tập trung hoàn thành GPMB dự án và triển khai thi công để mở rộng không gian sinh thái, tạo cảnh quan, kết nối với khu Di sản thế giới Tràng An phát triển các loại hình dịch vụ du lịch vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi của người dân và khách du lịch để góp phần xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực" - ông Mạnh nói.
Thanh Bình/dantri.com.vn