Hiện nay, nước ta có khoảng 6.500 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích 11 tỷ mét khối, trong đó có khoảng 560 hồ chứa lớn dung tích trên 3 triệu mét khối. Các công trình này đang đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, quy trình vận hành liên hồ chứa cần thực hiện tốt hơn nữa nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn các hồ chứa trong mùa mưa, lũ.
Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai khảo sát tại Nhà máy thủy điện Lai Châu.
Hệ thống hồ chứa nước ở nước ta trải dài từ bắc vào nam, có thể sử dụng trong tưới tiêu, nông nghiệp, nuôi trồng khai thác thủy sản, khai thác thủy điện, phát triển du lịch..., ngoài ra các hồ chứa còn giữ vị trí quan trọng trong việc điều hòa sinh thái, bảo vệ môi trường sống của con người. Những năm qua, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường và khó dự đoán, vai trò của những hồ chứa nước càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, do việc sử dụng nước ngày một gia tăng của các quốc gia thượng nguồn trong lưu vực cho nên có sự mất cân bằng lượng nước giữa hai mùa mưa và khô dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng tài nguyên nước về lượng và chất về mùa khô, nhưng lượng nước lại tăng cao trong mùa mưa lũ, có thể gây thiệt hại rất lớn.
Ðể công tác theo dõi, giám sát vận hành và cung cấp thông tin các hồ chứa phục vụ phòng, chống thiên tai, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng. Theo đó, bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc vận hành của các hồ chứa theo quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa. Với tổng số khoảng 134 hồ chứa, đập dâng trên 11 lưu vực sông được điều tiết, vận hành theo cơ chế liên hồ với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn công trình, cắt, giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ, ưu tiên duy trì dòng chảy tối thiểu, cấp nước hạ du phục vụ hoạt động sản xuất và dân sinh trong mùa cạn.
Tuy nhiên, vào các thời điểm xảy ra mưa lũ, một số hồ chứa chưa cập nhật kịp thời thông tin, số liệu vận hành lên hệ thống và cũng có một số trường hợp nhập không đủ số liệu vận hành hàng giờ lên hệ thống. Ðối với các trường hợp này, Cục Quản lý tài nguyên nước đã có văn bản nhắc nhở nhằm bảo đảm thông tin, số liệu luôn được cập nhật thường xuyên, liên tục phục vụ công tác theo dõi, giám sát, cung cấp thông tin để phòng, chống thiên tai.
Kể từ khi 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành, ngoài việc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đơn vị có chức năng xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu vận hành hồ, thực hiện theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục việc vận hành của các hồ chứa để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các chủ hồ thực hiện nghiêm túc việc vận hành theo quy trình. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời đến các địa phương, các chủ hồ; đôn đốc việc nghiêm túc thực hiện các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Ðể giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra liên quan đến hồ chứa trong mùa thiên tai năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp cụ thể như: Trong mùa lũ, với việc vận hành theo 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng trong các năm qua, các hồ chứa đã tham gia cắt, giảm lũ đáng kể cho hạ du. Các quy trình, quy định trong mùa lũ các hồ chứa lớn phải dành một dung tích cố định để tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du, mặc dù nhiều hồ khi thiết kế, xây dựng không có nhiệm vụ này.
Trong mùa cạn, với việc vận hành theo các quy trình, những năm qua, các hồ chứa đã tham gia vận hành, điều tiết, bổ sung một lượng nước tương đối lớn cho hạ du, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm nguồn nước cấp nước cho các ngành sử dụng nước, giảm khá lớn thiệt hại do hạn hán gây ra. Ðôn đốc, chỉ đạo kịp thời việc điều chỉnh vận hành, điều tiết xả nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Ðồng Nai,…để bảo đảm đủ nguồn nước cấp cho hạ du, đồng thời giữ đủ nước còn lại trong các hồ để đủ nước cấp trong thời gian còn lại của mùa cạn, nhất là chuẩn bị bước vào thời kỳ nắng nóng.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số yếu kém, bất cập cần khẩn trương khắc phục. Ðầu tiên là hiệu quả trong công tác phối hợp còn chưa cao, một số địa phương còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa. Vấn đề chia sẻ thông tin, dữ liệu vận hành, khí tượng -thủy văn, phối hợp giữa các địa phương còn chưa hiệu quả. Năng lực các hồ khu vực miền trung, Tây Nguyên còn hạn chế, chỉ có thể cắt, giảm lũ cho các địa phương ở khu vực hạ du chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết của các hồ mà không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề lũ lụt phía hạ du trên toàn bộ lưu vực sông. Ngoài ra, trên các lưu vực hiện nay còn có hàng nghìn công trình hồ chứa thủy lợi đơn mục tiêu khác, ít công trình có cửa van điều tiết cho nên khả năng điều tiết lũ là rất hạn chế so với tổng lượng lũ trên lưu vực.
Ðể khắc phục những vấn đề nêu trên, thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi một số điều của các Quy trình vận hành liên hồ chứa trên một số lưu vực sông, đồng thời bổ sung cơ chế phối hợp vận hành, cung cấp thông tin, dữ liệu… Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung theo hướng linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa trong tích nước phục vụ sản xuất điện và cấp nước hạ du. Ðặc biệt, đối với mùa cạn, các địa phương cần có giải pháp thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, giải pháp tích trữ nước nội đồng, nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp nguồn nước, năng lực của các hồ chứa trên lưu vực.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/van-hanh-an-toan-ho-chua-trong-mua-mua-bao-703904/