Từ hôm nay (26/7), cao tốc có lưu lượng xe lớn nhất Việt Nam là TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức thu phí tự động không dừng (ETC); cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến áp dụng từ ngày 1/8.
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TPHCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Nam.
Cao tốc có chiều dài 55 km, lưu lượng trong 3 tháng gần đây đạt khoảng 55.000 lượt phương tiện/ngày, được ghi nhận là cao tốc có lưu lượng lớn nhất Việt Nam.
Hệ thống ETC cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây có quy mô lắp đặt 25 làn ETC, tại 3 trạm thu phí Long Phước, quốc Lộ 51, Dầu Giây sử dụng công nghệ RFID được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển.
Trạm thu phí quốc lộ 51 thuộc hệ thống thu phí ETC cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Việc đưa công nghệ thu phí tự động ETC vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng, nhằm rút ngắn thời gian qua trạm từ 36-72 giây khi thu phí một dừng trước đây xuống chỉ còn 6-12 giây bằng phương pháp thu phí ETC; tốc độ phương tiện qua trạm tăng gấp 6-7 lần, góp phần quan trọng giải tỏa tình trạng ùn ứ, chờ đợi khi qua trạm.
Công trình được Tasco và VETC lắp đặt trong 45 ngày, chính thức đưa vào khai thác từ sáng 26/7, vượt tiến độ 5 ngày so với cam kết với Chính phủ. Đây cũng là cao tốc khu vực phía Nam đầu tiên đưa ETC vào sử dụng.
Cũng ở khu vực phía Nam, các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đảm bảo sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức tự động không dừng trên toàn tuyến dự kiến từ 1/8.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc tuyến đường cao tốc từ TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc lưu thông trên tuyến cao tốc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết tình trạng quá tải cho quốc lộ 1A.
Một trạm thu phí trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Kể từ khi khánh thành thông xe vào tháng 4/2022, đến nay tổng lưu lượng xe lưu thông ghi nhận trên tuyến lên tới gần 800.000 lượt, trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm. Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như hiện nay, lưu lượng xe về miền Tây ngày càng tăng cao, các tuyến đường cao tốc từ TPHCM đi miền Tây ngay sau khi khai thác có khả năng không đáp ứng được lưu lượng thực tế trong thời gian tới. Do đó, nhu cầu sử dụng thu phí tự động không dừng là cấp thiết nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông qua trạm thu phí.
Từ cuối tháng 6/2022, các phương tiện lưu thông qua tuyến đã áp dụng đồng thời hình thức thử nghiệm thu phí tự động không dừng. Việc thử nghiệm thu phí nhằm đánh giá các chỉ tiêu về hệ thống thiết bị, hoàn thiện kỹ năng phục vụ của nhân viên tại các trạm.
Trước đó, ngày 22/7, hệ thống ETC tại tất cả các trạm thu phí tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được vận hành đồng bộ. Theo kế hoạch, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý sẽ vận hành thu phí tự động trước ngày 31/7.
Bộ GTVT cho biết, hiện cả nước có 4,5 triệu ô tô, trong đó hơn 3,2 triệu xe đã dán thẻ ETC, đạt hơn 71%. Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/8 sẽ áp dụng thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc. Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phương án phân luồng, tổ chức giao thông bảo đảm trật tự, an toàn, kết nối liên thông để triển khai chủ trương chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy tại các trạm thu phí. |
Theo dantri.com.vn