Thành phố là địa bàn đông dân cư với đa dạng thành phần dân tộc, phong phú về DSVH thể hiện cả ở DSVH vật thể và phi vật thể với 7 lễ hội truyền thống, trong đó Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia. Về DSVH vật thể, thành phố hiện có 28 di tích, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: DSVH được hình thành từ chính cộng đồng và phục vụ cộng đồng. Vì thế, cộng đồng là chủ thể quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH truyền thống của dân tộc. Do đó, từ năm 2017 đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH thông qua các hình thức phong phú, đa dạng như: các cuộc họp thôn, khối phố; tổ chức các buổi tập huấn; qua các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch; gắn việc bảo tồn DSVH với thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Học sinh trên địa bàn thành phố biểu diễn trang phục dân tộc tại chương trình chào mừng ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4)
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố đã phát hành gần 10.000 tờ rơi, tập gấp và đăng tải trên 100 tin, bài, ảnh về DSVH. Mặt khác, thành phố đã chú trọng tới việc tạo không gian để người dân trình diễn các nét đẹp DSVH tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, nhờ đó, góp phần hình thành 5 CLB đàn và hát dân ca trên địa bàn với hơn 100 thành viên và trên 80 gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công, ẩm thực truyền thống của người dân… Đây là những nhân tố tích cực trong việc trình diễn, giới thiệu di sản đến du khách.
Bên cạnh đó, UBND thành phố luôn quan tâm việc gắn cộng đồng cùng tham gia quản lý, gìn giữ và chia sẻ lợi ích trong phát huy giá trị DSVH. Các di tích trên địa bàn thành phố đều có ban khánh tiết hoặc người đại diện là người dân trong vùng di sản. Từ năm 2019 đến nay, UBND thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện như: hội thảo, các cuộc gặp mặt người đại diện, lắng nghe vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ kịp thời.
Ông Phí Văn Hòa, thủ nhang đền Tả Phủ, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Hằng ngày, chúng tôi thường xuyên quét dọn, quản lý, bảo vệ đền. Bên cạnh đó, được thành phố quan tâm, đã giúp người dân chúng tôi tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc tu sửa đền sao cho vừa đảm bảo giữ nguyên giá trị di tích theo quy định, vừa phù hợp với nguyện vọng của bà con.
Cùng với đó, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xã hội… trên địa bàn thành phố luôn chú trọng vận động Nhân dân, huy động sức mạnh cộng đồng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Ông Lộc Công Ích, Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết: Để nâng cao vai trò của người dân trong bảo tồn DSVH, chúng tôi đã đưa nội dung này vào hương ước, quy ước hoạt động của khối, phố để các đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân cùng cam kết, chủ động thực hiện. Nhờ đó từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã huy động nguồn lực xã hội hóa được trên 5 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo 3 di tích trên địa bàn.
Bằng những việc làm thiết thực, các lễ hội của thành phố hằng năm đều tổ chức từ nguồn vốn xã hội hóa (XHH) 100%, trong đó kinh phí tổ chức mỗi lễ hội từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng. Đặc biệt giai đoạn 2019- 2021, các di tích trên địa bàn thành phố đã được đầu tư tôn tạo, xây mới với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và XHH. Riêng năm 2022, UBND thành phố đã và đang triển khai việc tu bổ di tích đền Tả Phủ với nguồn vốn gần 30 tỷ đồng từ XHH.
Các DSVH khi được quản lý, bảo vệ tốt đã góp phần tạo sức hút cho du lịch thành phố. Trong 7 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến địa bàn thành phố ước đạt trên 1,8 triệu lượt (tăng gần 152% so với lượng khách của cả năm 2021). Doanh thu ước đạt gần 650 tỉ đồng.
Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố về công tác phát huy các DSVH vật thể và phi vật thể, trong đó chú trọng gắn việc bảo tồn DSVH với phát triển du lịch, tăng cường mở các lớp tập huấn, truyền dạy DSVH cho người dân…
TUYẾT MAI/baolangson.vn