Trong nhiệm kỳ qua, bằng những hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong cả nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai mọi mặt công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, trợ giúp gần 90 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, những người bị tổn thương.
Các cán bộ Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trên hành trình ấy, mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ vẫn đang hằng ngày, hằng giờ chung tay xây dựng, vun đắp truyền thống nhân ái cao quý của dân tộc.
Tiên phong trợ giúp người nghèo
Với vai trò là tổ chức nòng cốt trong hoạt động nhân đạo, 5 năm qua (2017-2022), các cấp Hội Chữ thập đỏ đã linh hoạt, sáng tạo kịp thời trong đổi mới phương thức triển khai các hoạt động trợ giúp nhân đạo để phù hợp với điều kiện mới, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Qua đó, giá trị công tác xã hội nhân đạo của toàn Hội nhiệm kỳ qua đạt hơn 16.254 tỷ đồng, trợ giúp hơn 43,5 triệu lượt người.
Có thể thấy, một trong những nét nổi bật trong hoạt động công tác xã hội là “Tháng Nhân đạo” bước đầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội và thu hút nhiều cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia. Điều đó đã tạo ra điểm nhấn mới so với hoạt động nhân đạo thường xuyên và thể hiện rõ những tình cảm nồng ấm, sự sẻ chia thiết thực của các cấp Hội đối với những người nghèo nhất, khó khăn nhất.
Qua 5 năm thực hiện, tổng số tiền vận động trong “Tháng Nhân đạo” đạt 2.058 tỷ đồng; trợ giúp gần 4,5 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 249.300 địa chỉ nhân đạo được đăng ký trợ giúp; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 665 nghìn lượt người; vận động hơn 269.160 đơn vị máu.
Bên cạnh đó, các cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, hay dự án “Ngân hàng bò” tiếp tục được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam duy trì thường xuyên, triển khai linh hoạt, sâu rộng, với nhiều nét mới sáng tạo, khẳng định sự đúng đắn trong cách tiếp cận hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Có thể thấy, năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nước ta, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong bối cảnh đó, cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng tuyến đầu chống dịch, với tinh thần “Vì mọi người, ở mọi nơi” những chiến sĩ áo đỏ đã xông pha, không ngại hiểm nguy, vất vả để sát cánh cùng nhân dân.
Thể hiện tinh thần quyết tâm, đoàn kết, trái tim nhiệt huyết, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ ủng hộ người dân ứng phó với dịch Covid-19; tổ chức Chiến dịch “Kết nối cộng đồng-Vượt qua thách thức”, chương trình “Hỗ trợ lao động ngoại tỉnh, lao động từ vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”; chương trình “Túi hàng gia đình” với giá trị các hoạt động đạt gần 1.022 tỷ đồng...
Chung tay hướng về cộng đồng
Bên cạnh những hoạt động nhân đạo được tổ chức thường xuyên, trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng đều được các cấp Hội chú trọng với những hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả cao.
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho gần 660 nghìn người, truyền thông phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu cho hơn 2,7 triệu lượt người, vượt chỉ tiêu Đại hội X đề ra. Các trạm/điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ tiếp tục được chuẩn hóa theo quy định, đã có sáu trạm, 536 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ được cấp phép hoạt động, kịp thời hỗ trợ các nạn nhân tai nạn, thương tích, tai nạn giao thông trước khi tiếp cận được các cơ sở/nhân viên y tế.
Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được triển khai ngày càng sâu rộng, có nhiều đổi mới, tăng quyền chủ động cho các địa phương triển khai các chiến dịch, sự kiện lớn, giảm áp lực về thời gian tổ chức, đồng thời huy động được tối đa lực lượng tại địa phương tham gia.
Hiện nay, có hơn 4.000 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với gần 132 nghìn thành viên. Các cấp Hội đã phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cùng cấp tập huấn cho gần 167.000 lượt cán bộ, tình nguyện viên nòng cốt về hiến máu tình nguyện... Cùng với đó, hoạt động khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí tiếp tục được tổ chức ở địa bàn có nhu cầu với hơn 28,6 triệu lượt người hưởng lợi. Mô hình xe cứu thương Chữ thập đỏ chuyển bệnh nhân nghèo tiếp tục được duy trì và phát triển tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Những năm qua, với phương châm “nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả”, hội chữ thập đỏ các cấp luôn được biết đến là một trong những lực lượng dân sự đầu tiên có mặt khi thiên tai, thảm họa xảy ra và cũng là lực lượng gắn bó lâu dài, bền bỉ với người dân trong suốt giai đoạn tái thiết, phục hồi.
Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội luôn chủ động triển khai các hoạt động tham gia phòng, chống thiên tai; triển khai khung về nhà ở an toàn, nước sạch, vệ sinh trong tình huống khẩn cấp, chỉ đạo triển khai phần mềm và công cụ đánh giá hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ba lần ra Lời kêu gọi ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và hỗ trợ các tỉnh lũ lụt miền trung cùng nhiều hoạt động tham gia xây dựng cộng đồng an toàn trên phạm vi toàn quốc, với 134.295 lượt cán bộ các cấp Hội được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và ứng phó thảm họa; 37 đội ứng phó cấp tỉnh được củng cố, kiện toàn; duy trì 671 đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng do Hội thành lập.
Trải qua hơn 75 năm phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã khẳng định vị thế là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, có mạng lưới rộng khắp, có nhiều thế mạnh trong công tác xã hội, vận động hiến máu tình nguyện, sơ cấp cứu, tham gia cứu trợ khẩn cấp, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, tuyên truyền các giá trị nhân đạo. Những yếu tố nền tảng trên đây là điểm tựa vững chắc để Hội tiếp tục phát triển, tổ chức tốt hơn các hoạt động nhân đạo trong những năm tới.
“Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xác định xây dựng cơ quan chuyên trách Hội tinh gọn, vững mạnh; phát triển quan hệ đối tác trong hoạt động nhân đạo và tham mưu hoàn thiện chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội là nhiệm vụ then chốt; công tác xã hội trong lĩnh vực nhân đạo; tuyên truyền các giá trị nhân đạo là nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao; tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa, xây dựng cộng đồng an toàn; chăm sóc sức khỏe, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, bộ phận cơ thể người là nhiệm vụ nền tảng; phát triển tình nguyện viên; tổ chức hoạt động sơ cấp cứu; sản xuất, dịch vụ có thu là nhiệm vụ đột phá”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ket-noi-cong-dong-lan-toa-hanh-dong-nhan-ai-post712248.html