Đấu giá biển số xe: Thắc mắc về giá khởi điểm 20-40 triệu đồng

Thứ 4, 31.08.2022 | 14:17:19
617 lượt xem

Bộ Công an cần làm rõ căn cứ xác định mức giá khởi điểm 20 triệu đồng và 40 triệu đồng khi đấu giá biển số xe ô tô hoặc có thể đề xuất Chính phủ hướng dẫn vấn đề này để đảm bảo đúng thẩm quyền.

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, trong cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, hôm qua 30/8, ông Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) khẳng định việc cấp biển số đẹp bằng việc thu phí hoặc tổ chức bán đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, cá nhân, tạo sự công bằng cho các chủ thể có nhu cầu và cũng là một kênh để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đấu giá biển số xe: Thắc mắc về giá khởi điểm 20-40 triệu đồng - 1

Ông Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phát biểu tại cuộc họp thẩm định (Ảnh: An Như).

Dự thảo quy định người có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để tham gia đấu giá trực tuyến.

Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình hoặc thậm chí được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe cùng biển số trúng đấu giá. Tuy nhiên, người được nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá sẽ được xác định công thức chung, áp dụng thống nhất và phù hợp thực tiễn. Theo đó, ở TPHCM và Hà Nội giá khởi điểm là 40 triệu đồng, các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.

Trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó.

"Vênh" so với Luật Đấu giá

Góp ý về dự thảo nghị quyết, bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng, đấu giá theo Luật Đấu giá là có 2 người trở lên tham gia và cùng trả giá. Nếu chỉ có một người tham gia đấu giá thì sẽ bán cho người đấu giá duy nhất nhưng phải sau 2 lần đấu giá trở lên. Vì vậy, quy định về việc một người tham gia đấu giá nêu ra tại dự thảo nghị quyết đang "vênh" so với Luật Đấu giá.

Đấu giá biển số xe: Thắc mắc về giá khởi điểm 20-40 triệu đồng - 2

Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai (Ảnh: An Như).

Bên cạnh đó, theo bà Mai, giá khởi điểm chỉ là một trong các yếu tố quyết định giá trúng đấu giá nhưng một số nước không có giá khởi điểm.

"Bộ Công an cần làm rõ căn cứ xác định mức giá khởi điểm 20 triệu đồng và 40 triệu đồng hoặc có thể đề xuất Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn vấn đề này để đảm bảo đúng thẩm quyền và đúng với pháp luật về quản lý tài sản công"- bà Mai nêu quan điểm.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) đặt ra tình huống, người trúng đấu giá đã có ô tô và đã có biển số nhưng muốn lắp biển số đẹp đã trúng đấu giá vào ô tô cũ thì biển số cũ xử lý thế nào?

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội thắc mắc, nếu trường hợp người trúng đấu giá không nộp đúng, nộp đủ tiền thì có thu hồi biển số trúng đấu giá không và nếu thu hồi thì xử lý như thế nào?

Giải đáp thắc mắc trên, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Lê Xuân Đức nhấn mạnh biển số phải gắn với phương tiện và đăng ký mới có giá trị. Biển số xe không có giá trị khi tách rời các yếu tố này.

Bộ Công an xây dựng dự thảo với tinh thần người trúng đấu giá được hưởng đầy đủ các quyền (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt), còn người được chuyển giao sẽ bị hạn chế một phần.

Đấu giá biển số xe: Thắc mắc về giá khởi điểm 20-40 triệu đồng - 3

Người dân bấm được biển số đẹp (Ảnh minh họa: T.Nguyên).

Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, trước nay đã quá quen với khái niệm biển đẹp phải là "tứ quý", "ngũ quý", "tiến đều", "lộc phát", "phát lộc". Nhưng với nhiều người, "số đẹp là số tôi thích, là số của riêng tôi". Vì thế, cơ quan soạn thảo đã xây dựng quy định người tham gia đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để tham gia đấu giá trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Kiểm soát nguy cơ một người đấu giá nhiều biển đẹp rồi bán

Chủ trì cuộc họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị Bộ Công an làm rõ 3 kho số: Kho số chưa được đăng ký, kho số đấu giá và kho số không đấu giá.

Mục tiêu chính của nghị quyết thí điểm là tăng cường quản lý nhà nước, tăng thu ngân sách nhà nước nên cần quản lý chặt phương tiện trên từng địa bàn, không làm ảnh hưởng tới việc đăng ký biển số xe theo thủ tục thông thường.

Đặc biệt, lưu ý cần kiểm soát chặt quyền lợi gắn với biển, quyền lợi biển gắn với xe để tránh tình trạng một người tham gia đấu giá nhiều biển đẹp, rồi mua xe, gắn biển đẹp rồi bán cho người có nhu cầu. Ông đề nghị Bộ Công an quy định chặt chẽ để phòng ngừa việc trốn thuế trong trường hợp này.

"Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ căn cứ giá khởi điểm, theo dự thảo nghị quyết là 20 triệu và 40 triệu nhưng Luật Đấu giá quy định giá cọc là giá khởi điểm, mà cọc thấp thì nguy cơ bỏ cọc là hiện hữu, rồi sau đó chúng ta lại phải tổ chức đấu giá lại, tốn kém chi phí và gây dư luận không tốt"- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đặt vấn đề.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/dau-gia-bien-so-xe-thac-mac-ve-gia-khoi-diem-20-40-trieu-dong-20220831075558130.htm

  • Từ khóa