Giải quyết ùn tắc giao thông, không phải cứ "cấm" là được

Thứ 5, 15.09.2022 | 08:29:18
668 lượt xem

Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng, với điều kiện kinh tế của người dân, và thực trạng xã hội thì kỳ vọng "cấm xe máy" là không khả thi. KTS Trần Ngọc Chính đồng tình: "Giải pháp gì cũng phải nhân văn".

Biện pháp "cấm" không khả thi

Tại buổi tọa đàm "Ùn tắc giao thông - Nỗi ám ảnh ở các đô thị lớn" do Báo Dân trí tổ chức ngày 14/9, một độc giả đặt câu hỏi: Thời gian qua, Hà Nội, TPHCM đã chủ trương thí điểm nhiều phương án "giải cứu" giao thông nội đô như: Cấm xe cá nhân vào trung tâm ngày chẵn/ lẻ; cấm xe máy; phát triển giao thông công cộng; phân làn phương tiện, đếm xe tại các tuyến trọng điểm… Nhưng có vẻ các phương án đều chưa mang lại hiệu quả?

Trả lời câu hỏi, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) nhận định, vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn mà điển hình là Hà Nội và TPHCM không dễ giải quyết một sớm một chiều. Chúng ta cần có chính trước mắt và chính sách lâu dài, giải quyết được căn cơ thì mới có thể đem lại hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông.

Giải quyết ùn tắc giao thông, không phải cứ cấm là được - 1

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, chúng ta không thể sử dụng phương pháp "cấm" để giảm ùn tắc giao thông (Ảnh: Hữu Nghị).

Nói về những phương án thí điểm thời gian qua, Thiếu tướng Đức cho rằng chúng ta không thể dùng cách "cấm" để giải quyết ùn tắc.

"Tôi lấy ví dụ như chúng ta cấm taxi tại đoạn đường này, nhưng người dân vẫn có nhu cầu đi taxi qua một đoạn đường gần đó thì họ phải đi vòng đường khác. Hay là đã có lúc chúng ta tính tới việc cấm xe máy. Tuy nhiên với điều kiện kinh tế của người dân và thực trạng xã hội hiện nay thì chúng tôi thấy rằng việc "cấm" ở đây không khả thi, không mang lại hiệu quả như mong muốn", Thiếu tướng Đức phân tích.

Dẫn chứng cho việc một số điều chỉnh giao thông chưa hợp lý, không phù hợp với hạ tầng giao thông hiện nay của các khu đô thị, thành phố..., Thiếu tướng Lê Xuân Đức lấy dẫn chứng: Trên một tuyến đường có 3 làn xe nhưng chúng ta dành hẳn một làn đường chỉ phục vụ một đối tượng xe thì sẽ luôn luôn gây ra ùn tắc. Như vậy là rất bất hợp lý về giao thông.

"Tiếp đó là phân công trách nhiệm các cấp trong việc quản lý phương tiện cần được thống nhất. Tôi lấy ví dụ như là các phương tiện trọng tải lớn đi vào thành phố thì có đơn vị cấp phép, nhưng trên thực tế, phải có đơn vị nào quản lý việc điều tiết giao thông tại tuyến đường đó, bởi nếu cho phương tiện đó vào đoạn đường tắc thì sẽ gây tắc đường... đây là một nghịch lý và rất bất hợp lý", ông Đức phân tích.

Một ý cuối cùng mà lãnh đạo Cục CSGT cho hay lực lượng chức năng cần làm, đó là xác định được một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc gây ra tình trạng ùn tắc giao thông... Để từ đó các bên liên quan có thể phối hợp, thực hiện một cách nhịp nhàng trong việc phân cấp, điều tiết và quản lý giao thông một cách tốt hơn.

Giải quyết ùn tắc giao thông, không phải cứ cấm là được - 2

Thiếu tướng Lê Xuân Đức và KTS Trần Ngọc Chính trao đổi tại buổi tọa đàm ngày 14/9 (Ảnh: Hữu Nghị).

"Giải pháp gì cũng phải nhân văn"

Cùng trao đổi tại buổi tọa đàm, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - nêu quan điểm, hiện nay mong muốn của những nhà làm quy hoạch là hệ thống giao thông công cộng phải có sự kết nối như đường sắt, metro ngầm, BRT, taxi... và đặc biệt phải bỏ xe máy.

"Hà Nội rất muốn bỏ xe máy nhưng rất khó vì nó liên quan đến cuộc sống người dân. Chúng ta phải tính đến sự nhân văn, vì trong điều kiện hiện tại, người dân đi làm, đi học, đi chợ, đi đón con... đều cần đến xe máy cả. Muốn bỏ xe máy thì phải có hệ thống giao thông công cộng phát triển, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Giải pháp gì cũng phải nhân văn!", ông Chính nói.

"Để làm được điều đó chúng ta phải có phương án hết sức đầy đủ và khoa học. Nhưng hiện tại chúng ta đang bị làm nửa vời và không biết lúc nào mới xong được vì liên quan đến cả tầm nhìn và tài chính. Kinh phí đầu tư một tuyến metro đã lên tới 1-2 tỉ USD", ông Chính nói.

Giải quyết ùn tắc giao thông, không phải cứ cấm là được - 3

KTS Trần Ngọc Chính (Ảnh: Hữu Nghị).


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/giai-quyet-un-tac-giao-thong-khong-phai-cu-cam-la-duoc-20220914121718738.htm

  • Từ khóa