Sáng 15/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lạng Sơn
Dự tại điểm cầu UBND tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; VNPT Lạng Sơn, Chi nhánh Viettel Lạng Sơn, Bưu điện tỉnh.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực, chiếm 13.47%. Đến nay, cả nước đã thành lập tổng số 11.700 bộ phận “một cửa” các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Cùng với đó, tính đến nay, toàn quốc đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; có hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 720 triệu truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ (tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021)…
Ngoài ra, các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng CPĐT phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển. Tính đến nay, đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông, trung bình có khoảng 550.000 văn bản/tháng. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính; 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử, 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử…
Trong giai đoạn 2022 – 2025, để tiếp tục triển khai có hiệu quả và tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải cách TTHC, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ; thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiêm quy chế làm việc mới của Chính phủ…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận một số nội dung liên quan trong triển khai cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành như cải cách TTHC và chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu của ngành; đẩy mạnh phân cấp giải quyết TTHC; sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi trong cải cách TTHC gắn kết với chuyển đổi số…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cải cách hành chính, cải cách TTHC luôn được Đảng, Nhà nước xác định là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ
Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Thời gian tới, các bộ, ngành và các địa phương cần có sự đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo cải cách TTHC mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, nhằm phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả thực hiện công tác cải cách TTHC; cải cách TTHC phải bám sát thực tiễn, căn cứ vào thực tiễn; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính nâng cao vai trò người đứng đầu; khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, các bộ, ngành và các địa phương cần tăng cường rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các TTHC liên quan đến lĩnh vực kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ số hóa kết quả hồ sơ TTHC; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, phấn đấu đến năm 2023 đạt 83%; tăng cường chuyển đổi số trong cải cách hành chính, cải cách TTHC, tiến tới xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số…
Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu các ý kiến của các đại biểu đã tham gia đóng góp tại hội nghị để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác cải cách TTHC trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa, tất cả vì lợi ích của người dân.
Theo baolangson.vn