Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp là chương trình lớn của các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chương trình này, thời gian qua, Huyện đoàn Bắc Sơn đã có những giải pháp thiết thực, góp phần tạo điều kiện để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp phát triển kinh tế hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn có 16.692 người trong độ tuổi từ 16 – 30 tuổi, chiếm 23,14% tổng dân số và 36,13% lực lượng lao động của địa phương. Để thực hiện tốt chương trình “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, Huyện đoàn đã hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở đoàn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), từ đó tư vấn, định hướng cho ĐVTN thực hiện có hiệu quả phong trào khởi nghiệp. Qua đó, đã có nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Anh Dương Hữu Điện (bên phải), Bí thư Đoàn xã Chiêu vũ đóng gói sản phẩm khô heo Mác Mật tại cơ sở chế biến của gia đình
Điển hình như anh Dương Hữu Điện, Bí thư đoàn xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2019 với sản phẩm khô heo mác mật (thịt lợn ướp gia vị sấy khô cùng lá cây mác mật). Sau nhiều lần thử nghiệm cách làm khô heo mác mật với các tỷ lệ gia vị khác nhau, đến nay, anh đã có công thức chế biến phù hợp với khẩu vị chung của thực khách và được nhiều người đón nhận.
Anh Dương Hữu Điện cho biết: Với suy nghĩ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương là quả và lá mác mật, năm 2019, tôi đã xây dựng ý tưởng và đầu tư mua một máy sấy công suất nhỏ để sấy thịt. Sau một thời gian đi vào hoạt động, sản phẩm được thị trường đón nhận. Năm 2021, tôi xây dựng nhà xưởng và mua sắm, lắp đặt máy, thiết bị hiện đại, đảm bảo các quy định trong chế biến thực phẩm được đầu tư như: máy tách thịt công nghiệp, máy sấy nông sản, máy làm sốt mác mật, máy sấy màng, máy dập túi… Hiện nay, mỗi ngày xưởng sản xuất của tôi tiêu thụ từ 80 – 100 kg thịt lợn tươi để cho ra 36 – 38 kg khô heo, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 10.000 túi sản phẩm khô heo các loại, trừ chi phí đầu vào, tôi thu về khoảng 200 triệu đồng, đồng thời, tạo việc làm cho 4 người với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Hay như mô hình khởi nghiệp từ trồng nho của anh Dương Hữu Hoàng, thôn Rạ Lá, xã Long Đống từ năm 2018, anh Hoàng cho biết: Hiện nay, gia đình tôi trồng hơn 4 sào nho Hạ Đen, trung bình mỗi vụ sản lượng thu được hơn 1 tấn, trừ chi phí cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình thanh niên khởi nghiệp có hiệu quả trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Trong những năm qua, song song với việc xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, Huyện đoàn Bắc Sơn luôn chú trọng các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp và đây được xem là giải pháp quan trọng, hữu hiệu để thu hút đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào đoàn.
Anh Dương Mạnh Huy, Bí thư huyện Đoàn Bắc Sơn cho biết: Trong những năm qua, Huyện đoàn Bắc Sơn đã cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền thanh niên phát triển kinh tế, bằng những việc làm cụ thể như: phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền những mô hình hay mang lại hiệu quả. Phối hợp với Ngân hàng chính sách thực hiện ủy thác cho thanh niên vay vốn; triển khai cho thanh niên tham gia cuộc thi về khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức…
Cụ thể, tính từ năm 2019 đến nay, Huyện đoàn đã phối hợp mở 26 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 900 ĐVTN; tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 6.300 lượt ĐVTN. Cùng đó, Huyện đoàn thường xuyên tổ chức cho ĐVTN đi tham quan một số mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn huyện và các địa phương khác nhằm học tập kinh nghiệm sản xuất.
Bên cạnh đó, nắm bắt nhu cầu về vốn trong đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, Huyện đoàn Bắc Sơn đã tích cực khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển các mô hình, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hoạt động hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất hộ gia đình, kinh doanh do đoàn viên thanh niên làm chủ được chú trọng; tập trung vào các mô hình trồng trọt, dịch vụ, kinh doanh sản xuất. Ðến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 1.600 hộ gia đình đoàn viên thanh niên được vay vốn với tổng dư nợ gần 80 tỷ đồng.
Với sự đồng hành sát sao và hỗ trợ thiết thực của Huyện đoàn, hiện nay, huyện Bắc Sơn có trên 60 mô hình thanh niên làm kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho gần 60 lao động địa phương với thu nhập 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng và luôn được đoàn cấp trên đánh giá là 1 trong 5 đơn vị huyện, thành đoàn thực hiện tốt chương trình đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.
Hoàng Cường/baolangson.vn