Trong đêm và rạng sáng 28/9, 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã ghi nhận thiệt hại. Mưa to khiến nhiều xã mất điện, nguy cơ sạt ở khu vực vùng núi cao.
Nhằm để ứng phó với bão số 4, tỉnh Kon Tum đã tổ chức sơ tán hàng nghìn người dân ở những nơi xung yếu, nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn. Theo ghi nhận, tỉnh đã di dời gần 600 hộ dân với 1.654 nhân khẩu.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Đăk Glei, chính quyền địa phương đã di dời 424 hộ/1.236 nhân khẩu. Dự kiến có khoảng 11 điểm trường nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, ngập úng cần phải di dời.
Tỉnh Kon Tum đã di dời gần 600 hộ dân với 1.654 nhân khẩu (Ảnh: Phạm Hoàng).
Tại huyện Kon Rẫy có 28 điểm có nguy cơ sạt lở, 17 điểm có nguy cơ ngập lụt; 3 trường học, 8 cầu cống có khả năng bị ảnh hưởng, 330 hộ dân phải di dời, 203 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tại huyện Tu Mơ Rông, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 20 hộ/83 khẩu đến nơi an toàn.
Chính quyền huyện Kon Plông cũng đã tổ chức sơ tán 71 hộ dân sinh sống tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, bị lũ quét ra khỏi nơi nguy hiểm.
Chính quyền địa phương đang hỗ trợ người dân vùng cao đến khu vực an toàn, tránh sạt lở và lũ quét (Ảnh: Phạm Hoàng).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, rạng sáng ngày 28/9, khu vực tỉnh Kon Tum có mưa lớn kèm gió giật mạnh. Nước tại các lưu vực sông, suối đang dâng cao. Một số khu vực như đèo Văn Rơi (huyện Đăk Tô) có nhiều cây xanh lớn ngã đổ, chắn ngang đường, chính quyền đang triển khai khắc phục.
Huyện Kon Plông cũng ghi nhận có 4 xã mất điện gồm: Đăk Nên, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Tăng, Pờ Ê.
Một số trường học ở các huyện miền núi ở Kon Tum cũng nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao (Ảnh: UBND xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, Kon Tum).
Tại huyện Đăk Glei, có 17 hộ thuộc xã Đăk Long, hiện nay đang cư trú an toàn tại Đồn Biên phòng 671 do trước bão người dân đang ở nhà chòi trên rẫy không về kịp nhà. Tuyến đường 673, tuyến đường quốc lộ Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Lò Xo... nguy cơ sạt lở đất cao.
Trong đêm 27/9 và rạng sáng 28/9, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có mưa to đến rất to, kèm theo gió giật mạnh. Tại một các huyện ở khu vực Đông Nam tỉnh như: huyện Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa đã xuất hiện tình trạng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến hoa mùa của bà con. Nhiều cây xanh, công trình công cộng ở TP Pleiku cũng bị ngã đổ, hư hỏng do gió mạnh.
Hàng loạt cây xanh ở TP Pleiku (Gia Lai) và huyện lân cận bị đỗ ngã (Ảnh: T.H).
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Gia Lai thông tin, để ứng phó với các diễn biến khó lường của bão, tỉnh đang cho xả lũ 19 hồ chứa và hoàn thành di dời 133 hộ với 400 khẩu tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét. Đồng thời, chủ động phương án di dời 8.500 người đến nơi an toàn khi mực nước dâng cao.
Rạng sáng ngày 28/9, trên các tỉnh Bắc Tây Nguyên đã xuất hiện mưa to, gió lớn (Ảnh: T.H).
Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại 7 huyện trọng điểm về thiên tai trên địa bàn. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhằm chuẩn bị sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Phạm Hoàng/dantri.com.vn