Theo dự báo, từ nay đến cuối mùa mưa bão, sẽ còn có nhiều cơn bão mạnh ảnh hưởng đến nước ta. Công tác phòng chống bão lũ đang càng ngày càng được quan tâm hơn nhằm hạn chế thiệt hại. Dự báo chính xác của cơ quan khí tượng thủy văn về mưa, bão; sử dụng “bốn tại chỗ”; huy động cả hệ thống chính trị, thành lập ban chỉ huy tiền phương, huy động lực lượng công an, quân đội vào cuộc giúp dân phòng chống bão lũ... đã hạn chế thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tuy nhiên, từ thực tế chống bão số 4 vừa qua cho thấy, nhiều người dân do xót của nên đã cố bám trụ lại ở các lồng bè, tàu thuyền để giữ tài sản, bất chấp sự thuyết phục, vận động của chính quyền cho đến khi bị cưỡng chế. “Cưỡng chế sơ tán dân” là biện pháp “chẳng đặng đừng” mà các lực lượng chức năng phải áp dụng.
Thế nhưng, tại âu thuyền Thọ Quang, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng và ở vùng biển tỉnh Quảng Bình vừa qua trong bão số 4 cho thấy, đã có hàng trăm ngư dân quyết bám trụ ở lại nơi tàu thuyền, cùng nỗi trăn trở “Nếu tàu chìm ai chịu trách nhiệm?”. Câu hỏi ấy cho thấy sự cần thiết có một đội cứu hộ trông coi bơm nước chống chìm, giằng néo lại tàu thuyền neo đậu khi tránh bão.
Ngư dân Phạm Thanh, chủ tàu ĐNA 90597, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, mặc dù tàu đã vào âu thuyền, neo đậu chằng chống cẩn thận nhưng vẫn rất muốn có người ở lại trên tàu để trông coi. Biết ở lại trên tàu khi có bão vào là nguy hiểm tính mạng, nhưng lên bờ cũng không yên tâm vì mỗi con tàu họ đóng hết gần 10 tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay để làm ăn. Ngộ nhỡ tàu chìm, thì coi như sạt nghiệp.
Ngư dân Lê Thanh Hùng, chủ một tàu cá nhỏ ở Nại Hiên Đông cũng lo lắng nói: Khi bão vào, chủ thuyền nhỏ như chúng tôi bắt buộc phải lên bờ. Dù đã được neo cẩn thận trong âu thuyền nhưng khi bão vào, mưa lớn, sóng to, nếu không có người túc trực bơm nước ra khỏi tàu thì tàu sẽ bị chìm.
Mong muốn của ngư dân là chính quyền lập được một tổ đội bảo vệ tàu, giúp ngư dân bơm nước ra khỏi tàu khi mưa lớn, chằng chống lại dây bị đứt để khỏi bị trôi dạt, va đập thì chúng tôi sẽ yên tâm hơn khi rời tàu.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nại Hiên Đông cho biết: Toàn phường có khoảng 400 tàu thuyền. Công tác vận động người dân lên bờ mỗi khi thời tiết mưa bão là hết sức khó khăn. Nhiều người vừa được vận động rời thuyền lên bờ lại trốn quay lại vì xót của.
Địa phương cũng nghĩ tới phương án thành lập một đội chuyên nghiệp canh giữ tàu cho người dân khi bão lũ, nhưng nếu chỉ một mình cấp phường thì không làm được.
Chúng ta đã thành lập nhiều đội cứu hộ tiếp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân khi bão lũ; đã có những đội dân phòng canh giữ nhà an toàn cho người dân yên tâm đi sơ tán... thì cũng rất cần những đội tình nguyện canh giữ tàu thuyền neo đậu để người dân yên tâm lên bờ. Bảo vệ tàu thuyền trong các âu thuyền cũng là bảo vệ “nhà” cho ngư dân. Vì đối với ngư dân, tàu thuyền là nhà và là tài sản lớn nhất để mưu sinh. Ngư dân đang cần lắm những đội cứu hộ như thế.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/can-lap-doi-tinh-nguyen-bao-ve-tau-thuyen-neo-dau-post718468.html