Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 7/2022, trên địa bàn có gần 76.000 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội hơn 4.905 tỷ đồng, tăng hơn 142 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT
Trong đó, số nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, thuộc diện không thể thu hồi lên tới gần 1.367 tỷ đồng, chiếm 27,9% tổng số nợ. Tương tự như vậy, nhiều năm qua Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn "đau đầu" trong việc giải quyết gần 400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội của khoảng 7.500 đơn vị sử dụng lao động có chủ bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản, dừng hoạt động.
Không chỉ ở các thành phố lớn, mà các món nợ bảo hiểm xã hội không có khả năng thu hồi cũng đang bị "treo" ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc trong cả nước là hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 1/3 (hơn 3.200 tỷ đồng, gồm gần 2.300 tỷ đồng nợ gốc và khoảng 930 tỷ đồng lãi chậm nộp phát sinh) là khoản nợ "rất khó đòi", thuộc về 30.000 doanh nghiệp đã "mất tích", phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn… Dù không thể thu hồi, nhưng thời gian qua, những món nợ đó vẫn bị "treo", gây nhiều khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của khoảng 200.000 người lao động từng làm việc ở các đơn vị đã không còn tồn tại này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội phải căn cứ trên cơ sở đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội (bao gồm mức đóng và thời gian đóng). Ðiều này đồng nghĩa với việc chỉ những ai thực hiện đóng góp vào quỹ theo luật định mới thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, không chỉ không thực hiện nghĩa vụ đóng góp các khoản bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình cho người lao động theo quy định, mà các doanh nghiệp còn không nộp phần kinh phí mà người lao động đã đóng (khoản tiền này các doanh nghiệp đã trích trừ hằng tháng từ tiền lương của người lao động) cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp "mất tích", phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn…, người lao động vô hình trung bị rơi vào cảnh "quýt làm, cam chịu". Ðó cũng là một trong những lý do khiến cho việc việc tìm kiếm những giải pháp phù hợp cho món nợ này vẫn chưa tới hồi kết.
Nhiều ý kiến cho rằng, tương tự như xóa nợ thuế, Nhà nước có thể "xóa" những khoản nợ bảo hiểm xã hội không thể thu hồi - đồng nghĩa với việc thời gian người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội không được ghi nhận. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ không bảo đảm được quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng được đưa ra như dùng ngân sách hoặc sử dụng kết dư các quỹ bảo hiểm xã hội để giải quyết. Nhiều ý kiến cho rằng những phương án này cũng có không ít bất cập…
Có thể thấy, xử lý vấn đề "nợ xấu" bảo hiểm xã hội là chuyện không hề đơn giản. Mặc dù vậy, bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động vẫn là yêu cầu quan trọng nhất và không thể tiếp tục kéo dài. Ðiều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm những giải pháp khả thi, phù hợp nhất để sớm trình cấp có thẩm quyền quyết định. Về lâu dài, các cơ chế, quy định liên quan công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm ngăn ngừa nợ đọng, tránh xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/can-giai-phap-xu-ly-no-xau-bao-hiem-xa-hoi-post719033.html