Nhiều ý kiến cho rằng nên kiểm định xe cơ giới theo số km. Thậm chí, nếu các đối tượng cố tình tua công tơ mét để gian lận đăng kiểm thì phải xử lý hình sự.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý, khó khả thi và dễ gian lận.
Bởi theo luật sư Cường, chu kỳ đăng kiểm là một khoảng thời gian để người có chuyên môn kỹ thuật kiểm tra lại tình trạng hoạt động của ô tô, để xác định chiếc xe đó có đảm bảo an toàn, có thể lưu hành được hay không. Mỗi quốc gia sẽ quy định khoảng thời gian khác nhau nhưng chỉ mang tính chất tương đối để tính toán khi xe di chuyển liên tục thì hết một chu kỳ an toàn là bao lâu.
Vị luật sư này phân tích, xe cá nhân di chuyển ít hơn xe kinh doanh. Ví dụ, với xe cá nhân một năm di chuyển trung bình khoảng 15.000km nhưng với xe kinh doanh thì một tháng đã có thể di chuyển được 15.000km. Vì vậy nếu tính theo công tơ mét để đăng kiểm thì 2 tháng xe kinh doanh phải đăng kiểm lại một lần, trong khi đó xe ô tô cá nhân là 2 năm.
Dưới góc độ luật, trường hợp tua đồng hồ công tơ mét khó khởi tố hình sự nếu không gây ra hậu quả nghiêm trọng (Ảnh: Thế Hưng).
Hơn nữa, thông số kỹ thuật xuất xưởng của mỗi chiếc xe cùng loại là giống nhau. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thì có thể độ bền sẽ khác nhau, phụ thuộc vào kỹ thuật sử dụng, mức độ bảo dưỡng, bảo trì, bảo quản. Thực tế có xe hỏng thứ này, có xe lại hỏng thứ khác. Việc sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng ô tô sẽ quyết định đến độ bền, thông số kỹ thuật và các yếu tố an toàn của xe.
Theo luật sư Cường, người sử dụng xe cẩn thận thì sẽ ít hư hỏng. Những người sử dụng xe bảo quản tốt, thường xuyên bảo dưỡng thì mức độ đảm bảo an toàn sẽ cao. Ngược lại sử dụng xe không đúng kỹ thuật, không bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên thì dù chạy ít km hoặc ít thời gian, chiếc xe vẫn có thể bị hư hỏng phải không đảm bảo an toàn.
"Bởi vậy, các yếu tố kĩ thuật đảm bảo an toàn của một chiếc ô tô không chỉ phụ thuộc vào số quãng đường lăn bánh, phụ thuộc vào thời gian sử dụng mà còn phụ thuộc vào kỹ năng sử dụng xe, trách nhiệm trong việc bảo quản, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng", ông Cường khẳng định.
Ông cũng cho rằng, chưa thể khẳng định chiếc xe di chuyển một quãng đường bằng nhau thì mức độ khấu hao như nhau, điều kiện đảm bảo yếu tố kỹ thuật như nhau, cái này còn phụ thuộc vào kỹ năng sử dụng, ý thức bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng... Đáng nói, việc tua công tơ mét được thực hiện rất dễ dàng đối với những người có hiểu biết về kỹ thuật. Bởi vậy nếu quy định chu kỳ đăng kiểm tính theo công tơ mét thì chưa đảm bảo về yếu tố khoa học, dễ gian lận và khó kiểm soát.
Do đó, ông khẳng định, đề xuất đăng kiểm xe cơ giới theo công tơ mét và xử lý hình sự với hành vi tua công tơ là không hợp lý. Bởi hành vi tua công tơ không thể được xác định là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
"Thế nhưng, nếu chủ xe tua công tơ để tránh đăng kiểm dẫn đến phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn gây ra tai nạn giao thông chết người thì hành vi này mới có thể bị xử lý hình sự vì khi đó đã có hậu quả xảy ra. Còn đối với hành vi gian lận về mặt kỹ thuật để né đăng kiểm nhưng chưa gây ra hậu quả thiệt hại về vật chất thì chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội và về mặt lý luận không thể xử lý hình sự", ông Cường nói.
Trưởng văn phòng luật Chính Pháp cho rằng, việc hình sự hóa một hành vi hành chính phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận về cấu thành tội phạm. Cần đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi trên cơ sở kiến thức khoa học pháp lý chứ không chỉ là ý tưởng của những người không có chuyên môn về pháp luật.
Thế Hưng/dantri.com.vn