Bác sĩ cảnh báo, hội chứng này sẽ khiến người mắc phải bị suy dinh dưỡng, rối loạn nước điện giải dẫn đến tử vong, hoặc phải hỗ trợ dinh dưỡng đường tĩnh mạch suốt đời.
Tại hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2023, kỷ niệm 15 năm thành lập Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện đã báo cáo về một trường hợp bị hội chứng ruột ngắn hiếm gặp được điều trị thành công.
Bệnh nhân là một người đàn ông 38 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy thận cấp, rối loạn điện giải và chỉ nặng 45kg. Ảnh chụp CT Scan bụng cho thấy bệnh nhân có huyết khối động mạch mạc treo tràng trên. Bệnh nhân có tiền sử đã phẫu thuật 2 lần, cắt gần toàn bộ ruột non và đại tràng phải, mở ruột non và đại tràng ngang ra da do hoại tử ruột, ruột non còn lại khoảng 60cm.
Các bác sĩ đã tiến hành bù dịch, điện giải, dinh dưỡng đường tĩnh mạch, truyền dịch, thuốc kháng đông, kháng tiết kèm hỗ trợ dinh dưỡng tích cực. Sau 9 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân được cải thiện, chức năng thận, điện giải trở về giới hạn bình thường và được xuất viện.
Một bệnh nhân điều trị tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: BV).
Tuy nhiên do đoạn ruột non còn lại rất ngắn, mỗi lần ăn uống, chỗ mở ruột của bệnh nhân lại rỉ dịch. Sau xuất viện 5 ngày, bệnh nhân phải tái nhập viện với tình trạng suy thận cấp và rối loạn điện giải nặng vì kém hấp thu.
Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng ruột ngắn, các bác sĩ xác định bệnh nhân không thể duy trì sự sống bằng riêng đường tiêu hóa mà cần phụ thuộc vào dinh dưỡng đường tĩnh mạch. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo chiến lược cũ (dinh dưỡng tĩnh mạch, bù dịch, điện giải, cầm tiêu chảy...), tình trạng cải thiện ổn.
Sau 2 tuần nâng thể trạng, bệnh nhân được phẫu thuật phục hồi lưu thông ruột 3 lần, kết hợp chế độ dinh dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Hiện tại sau 4 tháng xuất viện, chế độ ăn của bệnh nhân đã trở về bình thường, tăng cân 6kg, có thể quay lại làm việc, sinh hoạt.
TS.BS Hoàng Đình Tuy, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cùng các cộng sự cho biết, hội chứng ruột ngắn là một bệnh tương đối hiếm gặp. Một thống kê ở Anh năm của Lennard-Johns cho thấy, hội chứng ruột ngắn có tỷ lệ mắc khoảng 2/1.000.000 dân số.
Mắc bệnh Crohn là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng ruột ngắn (Ảnh: medlatec).
Đây là tình trạng suy giảm thứ phát vùng hấp thu cơ chất dinh dưỡng của ruột non. Điều này thường xảy ra sau khi một phần lớn ruột non bị phẫu thuật cắt bỏ trong bệnh cảnh thiếu máu cục bộ, chấn thương, tắc ruột, bệnh Crohn, viêm ruột do phóng xạ....
Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị thống nhất cho hội chứng ruột ngắn. Những bệnh nhân được điều trị dinh dưỡng tĩnh mạch tại nhà có kết quả điều trị ngắn hạn tương đối tốt. Theo một dữ liệu nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ sống sót sau 4 năm ở những bệnh nhân phụ thuộc vào dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa là 70%.
Tuy nhiên nguy cơ tắc, nhiễm trùng catheter, rối loạn chức năng gan, sỏi mật là những biến chứng nguy hiểm thường gặp, gây tử vong và tăng chi phí điều trị cho người bệnh.
Hội chứng ruột ngắn có thể gây biến chứng gây rối loạn chức năng gan (Ảnh: medlatec).
Hội chứng ruột ngắn gây ra suy dinh dưỡng, rối loạn nước điện giải, dẫn đến tử vong hoặc lệ thuộc vào dinh dưỡng tĩnh mạch hỗ trợ suốt đời. Chỉ một số ít bệnh nhân có thể chuyển sang dinh dưỡng bằng đường miệng. Tỷ lệ sống còn và phụ thuộc dinh dưỡng tĩnh mạch của bệnh nhân sau 2 năm lần lượt là 86% và 49%, sau 5 năm là 75% và 45%.
Theo các bác sĩ, khi bệnh nhân bị hội chứng ruột ngắn không thể dinh dưỡng bằng đường tiêu hóa, việc hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch sớm, bổ sung đầy đủ năng lượng, protein, điện giải, vi chất cần được quan tâm, nhằm giúp bệnh nhân khỏe mạnh, giảm tỷ lệ tai biến, biến chứng trong và sau phẫu thuật và có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Hoàng Lê/dantri.com.vn