Giá trị mang lại từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân gắn chip là rất to lớn. Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, tính đến tháng 5, có 206,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, có 13,7 triệu hồ sơ trực tuyến. Đã có gần 777 nghìn tài khoản định danh điện tử đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia với gần 2,6 triệu lượt đăng nhập.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử có nhiều dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao như thông báo lưu trú (đạt 99,9% ); đăng ký thường trú (đạt 89,4%)... Một số địa phương làm tốt như Đồng Nai, Hà Nam.
Đối với dịch vụ công đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành cho thí sinh toàn quốc đăng ký dự thi chính thức tại phần mềm quản lý thi tốt nghiệp. Đến nay, đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có gần 969 nghìn thí sinh đăng ký trực tuyến (đạt tỷ lệ 94,51%).
Ngày 21/5, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hỗ trợ Trường đại học FPT IS, Đại học Bách khoa tổ chức thi thử, đánh giá sử dụng và tích hợp giải pháp xác thực căn cước công dân gắn chip. Khi làm thủ tục thi, thí sinh chỉ cần quét thẻ căn cước công dân gắn chip, thực hiện việc quét thẻ và chụp ảnh đối chiếu khuôn mặt, sau đó kiểm tra trong danh sách dự thi, số phòng thi bảo đảm chính xác.
Quá trình xác thực thông tin chỉ mất khoảng từ 8-12 giây/thí sinh. Qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng thi hộ, tráo người trong thi cử, nâng cao chất lượng giáo dục. Thống kê, có 4 thiết bị tại luồng đăng ký tự động với 1.200 thí sinh dự thi được thực hiện trong vòng 1,5 tiếng trước giờ thi tại Đại học Tài nguyên và Môi trường.
Đối với 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng”, qua khảo sát trực tiếp tình hình thực hiện thí điểm tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam cho thấy, việc thực hiện thí điểm đã mang lại những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng được yêu cầu liên thông thủ tục hành chính, cũng như sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Việc sử dụng bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử phục vụ liên thông thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt công việc, tác nghiệp của cán bộ cơ sở khi thực hiện liên thông thủ tục hành chính(không phải in, scan ký, đính kèm tệp để chuyển hồ sơ).
Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận” được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành xây dựng, kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp dịch vụ công toàn trình mức độ 4 đối với thủ tục nêu trên trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đến nay đã có 61/63 tỉnh, thành phố triển khai, phát sinh 8.247 hồ sơ (còn 2 đơn vị chưa hoàn thành việc triển khai là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Nông).
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH với 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể để phát triển các ứng dụng cho ngành ngân hàng.
Đến nay, 2 đơn vị đã phối hợp, hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỷ lệ 83,28%).
Bộ Tài chính đã nghiên cứu giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách triển khai giai đoạn 2 từ 1/4/2023. Đã 16.814 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công. Tổng số tiền thuế thu trên hóa đơn 222,8 tỷ đồng (tăng 118 tỷ đồng so tháng 4/2023).
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam đang triển khai thí điểm toàn trình xác thực sinh trắc học khi công dân đi tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (từ tháng 2/2023), Nội Bài (từ tháng 4/2023), Phú Bài (từ ngày 13/5/2023). Hiện đang triển khai thí điểm sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 đối với hành khách đi tàu bay (với các chuyến bay nội địa) từ 1/6 đến 1/8.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã thu nhận 37,1 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử. Trong đó, có 16,5 triệu tài khoản kích hoạt, chiếm 42,5% tổng tài khoản phê duyệt, tăng 3,8 triệu tài khoản so tháng 4/2023. Đến nay đã có 30 tỉnh hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip. Các địa phương còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 6/2023.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tiet-kiem-hang-nghin-ty-dong-tu-xac-thuc-du-lieu-post758819.html