Trong các tháng cuối năm, các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường hành khách 6 tháng đầu năm ước đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022; trong đó khách quốc tế đạt 14,7 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 73,5% so cùng kỳ 2019; khách nội địa đạt 20 triệu khách, giảm nhẹ 3,4% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 8,1% so cùng kỳ 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19).
Hành khách xếp hàng làm thủ tục checkin tại Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài. Ảnh: Phan Công
Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 483 ngàn tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022, trong đó hàng hóa quốc tế đạt 405 ngàn tấn, giảm 30% so với cùng kỳ 2022; hàng hóa nội địa đạt 77,6 ngàn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2022.
Thị trường vận chuyển hàng không quốc tế đang phục hồi với sự tham gia khai thác trở lại của nhiều hãng hàng không quốc tế, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó các tháng 5, 6 đã đạt được gần 80% so cùng kỳ 2019.
Hiện tại, có 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ là ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và Châu Phi tới Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt. Một số thị trường có sự tăng trưởng cao so với trước dịch như Thái Lan, Indonesia, Úc (tăng 10-30% so với năm 2019), thị trường Nhật Bản đã đạt xấp xỉ cùng kỳ 2019, một số thị trường khác như Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Âu đang đang có sự hồi phục nhanh và đặc biệt là thị trường Ấn Độ (thị trường mới) có sự phát triển rất nhanh.
Mặc dù vậy, một số thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục chậm hơn so với tổng thể. Từ lịch bay mùa hè 2023, các hãng hàng không Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động khai thác từ các sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh đến Hàn Quốc, Trung Quốc.
Dự báo, trong các tháng cuối năm, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ nhanh hơn các tháng đầu năm 2023.
Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan và đáng chú ý là các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch.
Hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam không bó hẹp ở các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà đã được khôi phục và mở rộng ở các sân bay quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Đối với thị trường hàng không trong nước, hiện các hãng Hàng không Việt Nam đang khai thác 66 đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng với 19 sân bay địa phương khác với trên 650 chuyến bay mỗi ngày. Bên cạnh việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng cũng khai thác một số đường bay mới như Vietjet Air mở mới đường bay Cần Thơ-Vân Đồn hay Bamboo Airways mở mới đường bay Hà Nội-Cà Mau.
6 tháng cuối năm, hàng không nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm 2019, tuy nhiên mức độ tăng trưởng sẽ giảm dần vào các tháng cuối năm.
Dịp cao điểm hè năm 2023 (tính từ 1-6 đến 2-9), thị trường hàng không nội địa Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng, dự kiến tăng 7-10% so cùng kỳ 2019 với sản lượng từ 3,5-3,7 triệu khách/tháng (các tháng 6, 8) đến 4,2-4,5 triệu khách vào tháng 7.
Hiện các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng kế hoạch tăng chuyến so với lịch bay thường lệ, tập trung vào các đường bay có đến các điểm có nhu cầu du lịch lớn từ Hà Nội và TP HCM đến Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn, Tuy Hòa… trong đó có nhiều đường bay kết nối các điểm du lịch nhu Vinh-Phú Quốc/Cam Ranh, Thanh Hóa-Phú Quốc, Cần Thơ-Đà Lạt…
Dương Ngọc/nld.com.vn