Xử lý vi phạm giao thông “không có vùng cấm”

Thứ 4, 12.07.2023 | 08:46:00
565 lượt xem

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sáu tháng đầu năm diễn ra ngày 11/7, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, trên phạm vi cả nước, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương so cùng kỳ.

Lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Núi Thành (Quảng Nam) ngày 14/2/2023.

Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm mạnh nhờ các lực lượng chức năng xử lý vi phạm quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tai nạn giao thông giảm sâu

Theo TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thống kê trong 6 tháng qua, cả nước xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So cùng kỳ, tai nạn giao thông giảm sâu ở cả ba tiêu chí: giảm 762 vụ (hơn 13%), giảm 484 người chết (gần 15%) và 214 người bị thương (gần 6%).

Cả nước có 43 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ, trong đó tám địa phương giảm hơn 40% số người chết (Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Ninh Bình), đặc biệt Thái Nguyên và Đà Nẵng giảm hơn 60%.

Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, số người chết do tai nạn giao thông cũng được kéo giảm sâu cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối.

Tuy nhiên, vẫn còn 17 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ, trong đó bảy tỉnh tăng hơn 20% và bốn tỉnh có số người chết tăng hơn 70% trở lên gồm Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn để xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thí dụ, tại Quảng Nam, đã xảy ra bốn vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra một vụ làm ba người chết và một người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra một vụ làm chết ba người và một người bị thương,…

Lĩnh vực đường sắt, tai nạn tăng cao cả ba tiêu chí so cùng kỳ: xảy ra 48 vụ, làm chết 34 người, bị thương 13 người. Vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý gần 1,7 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 3.252 tỷ đồng, tước hơn 328 nghìn giấy phép lái xe, tạm giữ gần 530 nghìn phương tiện các loại.

So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 300 nghìn trường hợp (22,2%), tiền phạt tăng hơn 1.600 tỷ đồng (gần 100%). Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý gần 374 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, (chiếm 22,6%), 1.159 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,07%); 34.100 trường hợp vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 2,06%), 325.635 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 19,68%),...

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phân tích, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép,... còn diễn ra khá phổ biến. Hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe tuy giảm mạnh nhưng vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

“Không có vùng cấm” trong xử lý vi phạm

Trong sáu tháng qua, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương huy động nhân lực, phương tiện thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông khép kín 24/24 giờ, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông, như kiểm soát nồng độ cồn; kiểm soát phương tiện vận tải khách; xử lý hành vi “cơi nới” thành thùng, xe quá khổ quá tải; xử lý trách nhiệm của người giao xe mô-tô, ô-tô cho người chưa đủ tuổi điều khiển.

Theo đánh giá của TS Khuất Việt Hùng, các chuyên đề xử lý vi phạm trên đường bộ được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Đặc biệt, chuyên đề vi phạm nồng độ cồn được quần chúng nhân dân ủng hộ, “xử lý vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình” là câu chuyện được nhắc đến nhiều thời gian qua. Người thân trong gia đình hay bạn bè đều nhắc nhở nhau đã uống rượu bia thì không lái xe, hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia.

Với mục tiêu kéo giảm từ 5 đến 10% về số vụ và thương vong do tai nạn giao thông trong năm nay so với năm trước, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tại một số địa phương có tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, tăng cao thời gian qua để nghiên cứu, tìm giải pháp ngăn ngừa hiệu quả.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về an toàn giao thông; rà soát, xử lý các “điểm đen” tiềm ẩn tai nạn mới phát sinh.

Bộ Công an tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khép kín 24/24 giờ, tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề, các nhóm hành vi như kiểm soát nồng độ cồn; xử lý hành vi “cơi nới” thành thùng, xử lý xe quá khổ quá tải; xử lý trách nhiệm của người giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi điều khiển,...

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị dành sự quan tâm rất lớn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Sau đại dịch, tình hình kinh tế-xã hội đất nước lấy lại đà tăng trưởng, nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân tiếp tục gia tăng. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Các lực lượng chức năng quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để tình trạng thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô-tô, nhất là các trường hợp gây tai nạn giao thông. Trong quá trình điều tra tai nạn giao thông, ngoài xác định nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, cần xác định nguyên nhân thuộc về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân làm công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ có liên quan,… 


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/xu-ly-vi-pham-giao-thong-khong-co-vung-cam-post761890.html

  • Từ khóa