Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 2,5 triệu người trong một thập kỷ qua. Số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy: đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam.
Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ chiếm khoảng 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm vẫn còn hơn 2.000 trẻ dưới 16 tuổi bị đuối nước. Tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước tại cộng đồng chiếm 76,6%, tại gia đình 22,4% và tại trường học 1%.
Trẻ em tắm sông trong dịp nghỉ hè ở ngầm Thác Trà, thành phố Lạng Sơn
Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị đuối nước là do trẻ tự ý đi bơi, tắm ở hồ, ao, sông, suối, biển… không có người lớn đi cùng. Những nơi có ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố nước sâu, bãi biển có vùng nước xoáy… mà không có cảnh báo cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ bị đuối nước. Nhiều trẻ dưới 5 tuổi bị đuối nước ngay tại gia đình do tính hiếu động và ngã vào nguồn nước mở như: ao, giếng, cống thoát nước, lu nước, bồn tắm, chậu tắm, bể nước, bể bơi trong nhà… Một nguyên nhân quan trọng khác là có tới 70% trẻ dưới 16 tuổi không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Thiên tai, bão lũ và thực trạng trẻ em cứu nhau khi đuối nước nhưng không đúng cách, cũng dẫn đến số trẻ bị đuối nước tăng lên.
Để phòng, tránh đuối nước tại cộng đồng, trẻ cần thực hiện được kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước: chỉ đi bơi, vui chơi dưới nước khi có người lớn, người giám hộ đi cùng; khởi động thật kỹ 15 phút trước khi xuống nước và chỉ bơi lội ở nơi có quy định; mặc áo phao khi đi bơi, tắm biển, khi ngồi trên tàu thuyền; lên bờ ngay khi có dấu hiệu cơ thể mệt mỏi, nhiễm lạnh, bị chuột rút hoặc thời tiết xấu; không tự ý rủ nhau đi bơi, tắm ở ao, hồ, sông, suối hoặc địa điểm cấm bơi; không chơi gần nơi nước sâu nguy hiểm; không tự mình cứu đuối.
Để phòng, tránh đuối nước cho trẻ nhỏ tại gia đình, cha mẹ cần ngăn không cho trẻ đến gần các nguồn nước bằng cách làm cửa chắn, hàng rào hoặc cổng ngăn cách khu vực trẻ chơi với những nơi có nguồn nước. Làm nắp đậy an toàn các dụng cụ chứa nước như: lu, giếng, bể nước, cống nước, hố ga. Các xô, chậu chứa nước không sử dụng phải đổ hết nước. Khu vực nhà tắm và khu vệ sinh luôn được đóng cửa an toàn sau khi sử dụng. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần dạy trẻ không bao giờ đến gần bất kỳ nguồn nước nào vì có thể bị trượt ngã vào nước, trẻ không được tự mình nhặt các đồ vật nổi trên mặt nước, không được cúi đầu hoặc nghiêng đầu vào vật chứa nước như lu, chậu tắm, xô nước…
Dạy cho trẻ từ độ tuổi tiểu học trở lên kỹ năng bơi và an toàn trong môi trường nước là một trong những can thiệp phòng tránh đuối nước hiệu quả. Trẻ cần được học và thực hành thành thạo từ 1 hoặc 2 kiểu bơi để bơi được liên tục ít nhất 25 mét, thạo kỹ năng nổi đứng hoặc nổi ngửa trong nước được ít nhất 90 giây. Nguyên tắc cứu đuối mà mọi trẻ em cần nhớ để đảm bảo an toàn sinh mạng cho cả trẻ cứu đuối và trẻ bị đuối nước là: gọi thật to để người lớn tới giúp, tuyệt đối không nhảy xuống cứu bạn mà hãy giúp đỡ bạn bằng cách đưa sào, gậy hoặc quăng dây, ném vật nổi như chai nước rỗng, can nhựa… đến gần bạn để bạn bắt lấy, sau đó kéo bạn về gần bờ. Không dùng tay trực tiếp kéo bạn lên bờ, đề phòng bị sức nặng của bạn kéo ngược xuống nước khi đang hoảng hốt. Gọi ngay người lớn hoặc số điện thoại cấp cứu 115 sớm nhất có thể.
Nạn nhân bị đuối nước cần được đưa lên khỏi mặt nước để tiến hành cấp cứu nhanh chóng. Nếu nạn nhân còn thở, tim còn đập thì đặt nằm đầu thấp cho nước thoát ra, lấy khăn mặt bọc ngón tay, móc đờm dãi trong miệng, thay quần áo, ủ ấm, xoa nóng người. Nếu tim còn đập, hô hấp đã ngừng thì dốc ngược nạn nhân (vác lên vai, đầu dốc xuống) để cho nước trong đường hô hấp thoát ra, sau đó đặt nằm nghiêng, móc đờm dãi, thổi ngạt trực tiếp, ấn tim ngoài lồng ngực. Khi thổi ngạt phải thay quần áo ướt ra vì nó làm trở ngại tuần hoàn, đồng thời lau khô người nạn nhân, ủ ấm, xoa bóp thân thể, các chi theo hướng về tim.
Theo baolangson.vn