Cuộc thi vườn cây hoa đào đẹp: Góp phần nâng cao giá trị cây đào

Thứ 6, 17.01.2020 | 09:54:55
1,281 lượt xem

 Sau lễ hội hoa đào lần I, II, hình ảnh hoa đào Xứ Lạng đã được quảng bá rộng rãi hơn tới du khách thập phương, đồng thời góp phần lan tỏa phong trào trồng đào ở khắp trong tỉnh. Trong Lễ hội hoa Đào Xứ Lạng lần III năm nay, Ban Tổ chức lễ hội đã đưa cuộc thi vườn cây hoa đào đẹp Xứ Lạng – Xuân Canh Tý năm 2020 trở thành một trong những nội dung chính của lễ hội.

Cuộc thi Vườn cây hoa Đào đẹp có 16 vườn đào đẹp thuộc 10 huyện, thành phố tham dự. Mỗi vườn dự thi có từ 100 gốc đào trở lên. Trong đó, thành phố Lạng Sơn có 6 vườn, huyện Hữu Lũng có 2 vườn, các huyện còn lại, mỗi huyện chọn 1 vườn đào tiêu biểu tham gia.

Chúng tôi có dịp cùng Ban Giám khảo cuộc thi đến các vườn đào đẹp của các huyện, thành phố. Mỗi một vườn đào đẹp lại có những nét đặc trưng riêng, thể hiện được sự đầu tư, chăm sóc công phu của chủ vườn. Điển hình như vườn đào chùa Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng có sự đầu tư rất lớn với các chủng loại: đào bạch, đào thất thốn, đào chuông… trên diện tích hàng ngàn mét vuông, đây cũng là địa điểm thu hút rất đông khách du lịch hằng năm.

Anh Hoàng Văn Bình, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn chăm sóc vườn đào của gia đình

Các vườn đào khác trên địa bàn huyện Hữu Lũng và huyện Bắc Sơn cũng được người dân tập trung đầu tư với nhiều thế đào khác nhau. Mỗi chủ vườn có những kinh nghiệm trồng đào riêng. Gia đình anh Hoàng Văn Bình, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn với khu vườn có trên 250 gốc đào, chủ yếu là đào bích và đào phai. Để hoa nở đúng dịp, bông đều, đẹp, gia đình anh tiến hành tuốt lá, tỉa cành từ cuối tháng 10 âm lịch hằng năm. Theo anh Bình, nghề trồng đào vất vả nhưng cho thu nhập cao. Vườn nhà anh có gốc đào đặc biệt giá bán lên tới 17 triệu đồng. Đặc biệt, những cây đào thế được anh đặt những cái tên rất kêu như: giáng thác đổ, tam hợp quả phúc… Đó là những tên gọi được đặt để định hình cho thế đào mà anh sẽ lai tạo với nhiều giống đào khác nhau.

Việc lai ghép đào cũng được nhiều chủ vườn đào trên địa bàn thành phố Lạng Sơn áp dụng, trong đó, tập trung chủ yếu tại một số vườn đào đẹp ở thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc và thôn Nà Sèn, xã Hoàng Đồng… Anh Hoàng Văn Hưng, thôn Quảng Hồng 1, xã Quảng Lạc đang sở hữu 550 gốc đào các loại. Trước đây, việc trồng đào của gia đình có đầu ra không ổn định, tuy nhiên, sau khi Lễ hội hoa đào được tỉnh tổ chức, anh Hưng mở rộng diện tích trồng đào thương phẩm và thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh miễn phí, nhờ đó, thu nhập từ bán đào của gia đình tăng gấp 5 lần so với năm 2017 trở về trước.

Nhận xét về vẻ đẹp của các vườn đào dự thi lần này, ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi cho biết: Sau 4 ngày tổ chức chấm điểm thực tế các vườn đào (từ ngày 11/1 đến ngày 14/1/2020), chúng tôi thấy rằng nhận thức của nhân dân về việc bảo tồn và phát huy giá trị cây đào Xứ Lạng đã được nâng lên, chất lượng của một số vườn đào tại các huyện: Văn Lãng, Hữu Lũng, Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn có sự nổi trội rõ rệt, được đầu tư kỹ càng, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng và phát huy giá trị cây đào. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cuộc thi vườn đào đẹp; đồng thời, tăng cường hướng dẫn bà con trên địa bàn các huyện, thành phố về khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc, phát triển các giống đào quý của Xứ Lạng.

Được biết, cơ cấu giải thưởng của cuộc thi năm nay gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải ba, ngoài ra, có 5 giải khuyến khích và 5 giải chuyên đề. Dự kiến giải thưởng sẽ được trao cho các đơn vị tham dự vào đêm khai mạc Lễ hội hoa đào Xứ Lạng lần III diễn ra vào tối 19/1/2020.

Theo baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/264921-cuoc-thi-vuon-cay-hoa-dao-dep-gop-phan-nang-cao-gia-tri-cay-dao.html

  • Từ khóa