Đi tìm dấu tích người xưa

Thứ 6, 17.01.2020 | 09:54:51
601 lượt xem

Khảo cổ học là một trong những nội dung quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Trong năm 2019, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát khảo cổ học với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Các nhà khoa học Pháp nghiên cứu hóa thạch răng người, động vật trong sưu tập hiện vật Pác Đây lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn

Tháng 8, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, khảo sát một số di chỉ khảo cổ học do đơn vị mới phát hiện từ năm 2018 trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Tại di chỉ hang Ốc (thôn Gạo Trong, xã Yên Thịnh), quá trình đào thám sát và thu thập hiện vật trong lòng hang, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích bếp lửa cùng khá nhiều di vật gồm: rìu mài lưỡi, bàn mài, công cụ ghè đẽo, công cụ mảnh, bàn nghiền, chày nghiền, thổ hoàng, dấu Bắc Sơn, công cụ mũi nhọn chế tác bằng xương động vật,  vỏ nhuyễn thể, xương răng động vật… Cũng trên địa bàn xã Yên Thịnh, đoàn đã tiến hành nghiên cứu  di chỉ Đồng Hang (thôn Gò Mãn), cách hang Ốc khoảng 3 km theo đường chim bay. Tại hang này, đoàn đã phát hiện hơn 20 hiện vật gồm: rìu mài lưỡi, công cụ ghè đẽo, dấu Bắc Sơn, công cụ xương dạng mũi nhọn… Ngoài ra, đoàn còn tìm được dấu tích bếp lửa và mộ táng của người tiền sử. Các di vật ở hang Ốc và Đồng Hang mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa Bắc Sơn, thể hiện rõ ở tổ hợp di vật rìu mài lưỡi, dấu Bắc Sơn và công cụ ghè đẽo. Những kết quả đào thám sát lần này góp phần quan trọng khẳng định triển vọng nghiên cứu, khai quật của hai di tích trên đây. Phó giáo sư, tiến sĩ Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho rằng: Hang Ốc và Đồng Hang là  những di chỉ khảo cổ học thuộc Văn hóa Bắc Sơn muộn, có niên đại cách đây khoảng 6.000 năm. Các di tích này nằm trong sơn khối đá vôi Bắc Sơn. Nơi đây, từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã nghiên cứu, phát hiện và công bố một số di tích Văn hóa Bắc Sơn như: Minh Lệ, Chúc Quán, Làng Lôi… Đây là những là những di tích tiền sử rất có giá trị, ít gặp trong bối cảnh kinh tế, xã hội chung hiện nay. Do đó, trong báo cáo sơ bộ kết quả đào thám sát, phó giáo sư, tiến sĩ Trình Năng Chung đã đề nghị Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn có kế hoạch bảo tồn và khai quật hai di tích này.

Theo nguồn tin từ cơ sở, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức điều tra, khảo sát hang Pắc Luồng (thôn Nà Gỗ, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn). Tại di chỉ này, đoàn công tác đã phát hiện những dấu tích đầu tiên của người tiền sử bao gồm một chiếc rìu đá, một số công cụ cuội và vỏ ốc núi, ốc suối là tàn tích bữa ăn của họ… Bên cạnh công tác phối hợp nghiên cứu, đơn vị còn thu thập kịp thời các di vật khảo cổ do quần chúng nhân dân trong tỉnh phát hiện, lưu giữ. Tại thôn Làng Càng, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được một chiếc xẻng đá lớn do gia đình anh Vi Thanh Tĩnh phát hiện trong quá trình đào móng nhà từ năm 1990. Xẻng còn rất nguyên vẹn, có kích thước trung bình: dài 32,5 cm, rộng vai 21,5 cm, dày 1 cm. Đây là loại di vật đặc sắc, quý hiếm có nguồn gốc Quảng Tây (Trung Quốc). Niên đại thuộc văn hóa Hậu kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 4.000 – 5.000 năm. Trước đây, tại một số huyện trong tỉnh như: Bình Gia, Văn Quan, Lộc Bình, Bắc Sơn, quần chúng nhân dân đã phát hiện được loại di vật này. Chiếc xẻng đá lớn đầu tiên phát hiện ở Chi Lăng sẽ góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu đặc trưng văn hóa, mối quan hệ giữa các cư dân cổ vùng Đông Bắc Việt Nam với Hoa Nam Trung Quốc.

Sau quá trình nghiên cứu các di tích, di vật cổ sinh Cốc Mười (khai quật năm 2013 tại thôn Lũng Phầy, xã Chí Minh, huyện Tràng Định), các nhà khoa học Pháp tiếp tục triển khai nghiên cứu về di chỉ Pác Đây (Bản Vạc, xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng). Tháng 11/2019, đoàn chuyên gia Pháp gồm 5 người thuộc hai trường Đại học Strabuorg và Paris Descartes cùng cán bộ Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã đến Lạng Sơn. Tại Bảo tàng tỉnh, đoàn đã nghiên cứu các mẫu hóa thạch răng người, động vật thuộc sưu tập Pác Đây (khai quật năm 2016) để phục vụ xác định niên đại (bằng phương pháp U-Th và OSL); nghiên cứu AND và Protein. Tại hang Pác Đây, đoàn đã lấy mẫu, nghiên cứu độ từ cảm của các lớp trầm tích trong hang nhằm xác định niên đại di tích bằng phương pháp OSL. Những kết quả nghiên cứu trên đây sẽ góp phần làm sáng tỏ đặc trưng di tích, quá trình hình thành và phát triển của lịch sử trên vùng đất Lạng Sơn.

Lạng Sơn là vùng đất lịch sử in đậm dấu ấn cội nguồn dân tộc Việt Nam. Công tác nghiên cứu khảo cổ học được xúc tiến và đẩy mạnh trong những năm gần đây cùng những thành tựu đạt được là những tín hiệu rất đáng mừng, tạo tiền đề cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương. Các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn tốt để phục vụ nghiên cứu, góp phần làm sáng tỏ lịch sử của dân tộc và khẳng định tiềm năng, bản sắc văn hóa truyền thống ở nơi địa đầu Tổ quốc.

Theo baolangson.vn

http://baolangson.vn/van-hoa/264904-di-tim-dau-tich-nguoi-xua.html

  • Từ khóa