6 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ. Thời gian tới, cần tập trung nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động để tiến tới xây dựng một thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập.
Lao động tại Công ty TNHH Juki Việt Nam, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Khánh Trình) |
Chiều 21/7, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Molisa) |
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, 6 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn song thị trường lao động nhìn chung tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người so cùng kỳ năm trước, trong đó lao động nữ là 24,51 triệu người, chiếm tỷ lệ 46,86%; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm.
6 tháng đầu năm 2023, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67,5%, tăng khoảng 0,5 điểm % so năm 2022; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 26,6%, tăng 0,4 điểm % so năm 2022.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,71%. Lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm 3 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27%, giảm 0,7 điểm % so cùng kỳ.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các địa phương cũng đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm.
Báo cáo nhanh từ 52 tỉnh, thành phố cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng là gần 500 nghìn lao động. Ngoài ra, tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực. Qua 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã đưa hơn 72 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 65,7% kế hoạch năm và gấp hơn 1,55 lần so cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497 nghìn đồng so cùng kỳ năm trước.
Ngành lao động-thương binh và xã hội tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về cải cách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; hỗ trợ, kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo các cơ quan lao động tại địa phương nắm tình hình tiền lương, quan hệ lao động, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho người lao động, nhất là những lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Thu nhập bình quân của lao động tăng so cùng kỳ năm trước.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 1.055 nghìn người, đạt 46% kế hoạch. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được 220 nghìn người, đạt 41,5% kế hoạch.
Tính đến tháng 6/2023, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số này, có 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Thời gian qua, lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội cũng tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác bảo trợ xã hội. Cùng với đó là thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội và hơn 300 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng.
Tổng kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 14 nghìn tỷ đồng. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói.
Theo đánh giá từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thị trường lao động phát triển chưa bền vững. Vẫn có hiện tượng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao. Chất lượng lao động còn hạn chế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng chậm; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng. Mất việc, cắt giảm việc làm khiến lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao.
Công tác tuyển sinh của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn, nhất là tuyển sinh đối với các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, nhất là nhân lực chất lượng cao, còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều địa phương và các doanh nghiệp. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp thay đổi trong sản xuất-kinh doanh, do đó doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Molisa) |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, từ năm 2016 tới nay, toàn ngành đã nỗ lực 200% khả năng của mình, đặc biệt là tập trung đột phá vào một số lĩnh vực lớn. Trong đó, lĩnh vực thị trường lao động mặc dù còn non trẻ nhưng đã từng bước hình thành và phát triển nhanh chóng, song điều quan trọng hơn cả là đang đi đúng hướng.
Thời gian tới, phải tập trung nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động để tiến tới xây dựng một thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Từ nay đến tháng 10/2023, ngành lao động-thương binh và xã hội phải tập trung tham mưu cho Trung ương tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về các chính sách xã hội, đồng thời tham mưu ban hành chính sách mới, chủ trương mới, nghị quyết mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các vấn đề chuyển mạnh từ chính sách xã hội sang an sinh xã hội, chuyển từ chăm lo cho đối tượng yếu thế sang chăm lo cho tất cả đối tượng của xã hội. Định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về vấn đề an sinh xã hội và việc làm công bằng theo sáng kiến của Liên hợp quốc
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, chúng ta chọn 3 vấn đề có tính chất đột phá về chiến lược - đó là hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động đúng nghĩa. Thị trường lao động là một trong 5 thị trường căn bản, cốt lõi của nền kinh tế. Đây được coi là yếu tố bền vững, cốt yếu. Trong thị trường lao động, hai vấn đề việc làm và đời sống rất quan trọng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới, phải tập trung nâng cao năng lực dự báo cung-cầu lao động để tiến tới xây dựng một thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập. Do đó, phải dự báo đúng và trúng cung-cầu thị trường lao động. Gắn liền với đó là đào tạo, bồi dưỡng; theo dõi sát tình hình, chủ động điều tiết thị trường lao động…
Ngân Anh/nhandan.vn
https://nhandan.vn/huong-toi-mot-thi-truong-lao-dong-on-dinh-post763389.html