Là thương binh, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và mang trong mình nhiều thương tật nhưng ông Nguyễn Công Khai, sinh năm 1946, trú tại thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng chưa khi nào khuất phục trước khó khăn. Trở về địa phương, ông Khai luôn vượt khó vươn lên, tìm hướng phát triển kinh tế và thành công với mô hình nuôi ong lấy mật.
Là thương binh, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và mang trong mình nhiều thương tật nhưng ông Nguyễn Công Khai, sinh năm 1946, trú tại thôn Cã Ngoài, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng chưa khi nào khuất phục trước khó khăn. Trở về địa phương, ông Khai luôn vượt khó vươn lên, tìm hướng phát triển kinh tế và thành công với mô hình nuôi ong lấy mật.
Ông Khai kiểm tra đàn ong
Đến xã Minh Sơn vào một ngày cuối tháng 7, chúng tôi về thăm mô hình nuôi ong lấy mật của ông Khai Ở tuổi 77 nhưng trông ông Khai vẫn khoẻ khoắn, dáng người đậm chắc, giọng nói hào sảng, cử chỉ nhanh nhẹn. Ông Khai chia sẻ: Năm 1967, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi xung phong lên đường nhập ngũ và được phân vào Trung đoàn 3, Sư đoàn 9. Sau hơn 3 tháng huấn luyện, tháng 11/1967, tôi hành quân vào chiến trường miền Nam chống Mỹ.
Trong suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, ông Khai đã tham gia trên 100 trận đánh ở chiến trường các tỉnh: Tây Ninh, Bình Thuận, Kon Tum… Chiến tranh ác liệt khiến ông Khai bị thương 8 lần do trúng đạn, lần nặng nhất là bị địch bắn xuyên thành ngực dẫn đến thủng phổi. Không chỉ bị thương, ông Khai còn nhiễm chất độc da cam.
Chiến tranh dẫu đã lùi xa nhưng nỗi đau bởi vết thương do bom đạn để lại trên cơ thể người thương binh này, nhất là mỗi khi trái gió trở trời. Dù vậy, với ý chí, nghị lực của một người lính được tôi luyện trong “mưa bom, bão đạn”, ông Khai chưa bao giờ chùn bước. Năm 1973, rời quân ngũ trở về địa phương, ông phải bươn chải nhiều nghề để nuôi 6 người con ăn học, cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng ông chưa bao giờ bỏ cuộc, luôn cố gắng nuôi dạy các con nên người.
Với trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế, năm 2012, sau khi nghiên cứu qua rất nhiều sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng, ông Khai biết đến mô hình nuôi ong lấy mật. Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện gia đình, ông đã tìm mua 4 đàn ong mật về nuôi thử nghiệm. Sau 1 năm vừa nuôi vừa tìm tòi, tích luỹ kinh nghiệm, ông Khai đã nhân lên 8 đàn và đến nay đã tăng lên gần 150 đàn.
Được ông Khai dẫn đi tham quan mô hình, chúng tôi nhận thấy sự tỉ mỉ của người cựu chiến binh này qua việc ông chăm sóc từng đàn ong. Để tạo môi trường cho ong phát triển, ông Khai đầu tư mua một khu đất và trồng các loại hoa, cây ăn quả. Ông Khai cho biết: Nuôi ong quan trọng nhất cần phải chăm chỉ, kiên trì thì mới có thể thành công. Ví dụ như để chống kiến vào phá hoại đàn ong, tôi phải tự bố trí từng bát nước đặt dưới chân thùng, khi kiến đến tấn công gặp nước tự khắc “chết đuối”. Hay chẳng hạn vào mùa hoa không nở nhiều, nhất là từ tháng 10 trở đi, tôi phải cho đàn ong ăn thêm đường trắng để ong không bị đói, tránh dẫn đến ong bay khỏi đàn…
Ngoài tự tích luỹ kinh nghiệm, ông Khai cũng tích cực tham gia cùng hội viên cựu chiến binh đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong ở trong và ngoài huyện; tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của xã; áp dụng những cách làm mới, cách làm hay trên mạng internet… Sau nhiều năm thực hiện, từ năm 2018 đến nay, mô hình nuôi ong lấy mật đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Khai. Mỗi năm, đàn ong cho thu trên 1.000 lít mật, với giá bán 200.000 đồng/lít, giúp gia đình thu về 200 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, ông Khai còn thực hiện tách và bán đàn ong cho những người có nhu cầu nuôi ở trong và ngoài huyện. Mỗi năm, ông bán gần 100 đàn ong với giá bình quân 800.000 đồng/đàn. Ngoài ra, ông cũng cung cấp các dụng cụ như: thùng, khung cầu, chân tầng… để bán cho bà con có nhu cầu nuôi ong lấy mật. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mô hình giúp mang lại thu nhập cho gia đình gần 250 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Khai còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Ngô Văn Huỳnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Minh Sơn đánh giá: Ông Nguyễn Công Khai là hội viên luôn hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Dù là thương binh, nạn nhân chất độc da cam nhưng ông đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng trở thành tấm gương để thế hệ sau noi theo.
Được trò chuyện với ông Khai trong những ngày tháng 7, khi mà cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đang tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), chúng tôi càng thêm khâm phục nghị lực vươn lên của người thương binh này. Sự vượt khó vươn lên của ông Khai đã tiếp thêm động lực cho nhiều thương binh, bệnh binh khác và thế hệ sau tiếp tục phấn đấu, ra sức lao động, học tập, xây dựng quê hương.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/nguoi-tot-viec-tot-2/599797-nghi-luc-vuon-len-cua-mot-thuong-binh.html