Hiện nay, công nghệ giám định hài cốt liệt sĩ là phân tích ADN ty thể tức là xét nghiệm các gien nằm trên ADN ty thể để xác định những người tham gia xét nghiệm có chung huyết thống theo dòng mẹ hay không. Mặc dù phương pháp này đã hỗ trợ nhiều kết luận xác định danh tính nhưng thực tế quá trình giám định ADN hài cốt gặp không ít thách thức, đặt ra yêu cầu thử nghiệm các công nghệ, quy trình mới nhằm đẩy nhanh tốc độ giám định.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giám định ADN vận hành hệ thống giải trình tự gien thế hệ mới.
Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học là một trong các đơn vị tham gia thực hiện Ðề án Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của Thủ tướng Chính phủ. Ðến nay, Trung tâm đã chính thức đi vào hoạt động được bốn năm, với hơn 4.000 mẫu hài cốt được giám định, hơn 1.000 kết quả giám định ADN sẵn sàng ghép nối với dữ liệu của thân nhân liệt sĩ để định danh.
Ðó là sự nỗ lực làm việc ngày đêm, sự quyết tâm sáng tạo để tìm ra những quy trình tối ưu nhất từ khâu lấy mẫu, giám định đến khớp nối mẫu của những nhà khoa học trẻ tại đây. Hoạt động của Trung tâm luôn được Ðảng, Chính phủ quan tâm, các bộ, ngành và lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ.
Ðiều mà các nhà khoa học luôn trăn trở là vẫn còn số lượng lớn mẫu hài cốt thiếu thông tin, chất lượng mẫu giảm, trong khi tính hiệu quả của các phương pháp tách chiết ADN hiện tại đối với mẫu phân hủy mạnh ngày càng giảm.
TS Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Giám định ADN chia sẻ: Theo thống kê, khoảng 300.000 mẫu hài cốt còn thiếu thông tin chưa được xác định danh tính trên cả nước. Riêng tại Trung tâm Giám định ADN, đang lưu gần 6.000 mẫu, trong đó khoảng 4.000 mẫu đã từng được phân tích, 2.000 mẫu đang chờ phân tích. Phần lớn mẫu bị phân hủy nặng nề, chất lượng mẫu đang suy giảm nhanh chóng, vì thế rất nhiều mẫu phải lặp lại phân tích nhiều lần, dịch tách ADN thu được có thể không đủ về lượng và chất để sử dụng cho phản ứng giải trình tự gien. Ngoài ra, ADN ty thể có khả năng phân biệt cá thể thấp do xác suất trùng hợp ngẫu nhiên của hồ sơ ADN ty thể trong quần thể cao, vì vậy dữ liệu ADN ty thể không thể được sử dụng độc lập mà cần kết hợp các bằng chứng khác trước khi đưa ra kết luận định danh. Bởi vậy, rất cần một quy trình công nghệ giám định ADN mới có độ tin cậy và hiệu quả cao để thay thế quy trình công nghệ hiện đang sử dụng.
Trước yêu cầu đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hợp tác với Ủy ban quốc tế về tìm kiếm người mất tích (ICMP) nghiên cứu thử nghiệm các công nghệ tách chiết ADN mới và công nghệ giải trình tự gien thế hệ mới có tên gọi là MPSplex SNP để giải quyết thách thức đối với các mẫu hài cốt bị phân hủy mạnh.
TS Hoàng Hà, Giám đốc Trung tâm Giám định ADN cho biết, quy trình tách chiết ADN của Ủy ban quốc tế về tìm kiếm người mất tích sử dụng kỹ thuật khử khoáng toàn phần mẫu xương và sử dụng các màng đặc biệt giúp cô đặc ADN, tăng cường hàm lượng các đoạn ADN kích thước ngắn thu về trong dịch tách chiết. Ngoài ra, quy trình đã được điều chỉnh cho phù hợp các hệ thống tách chiết tự động để có khả năng tự động hóa một phần. Ðối với công nghệ giải trình tự mới, việc sử dụng SNP là một loại chỉ thị phân tử trong gien nhân có thể đưa đến kết luận nhận dạng xác định giữa mẫu giám định không chỉ với những người họ hàng gần mà còn với những người họ hàng xa, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, khi bố, mẹ, anh, chị, em ruột của liệt sĩ đã lớn tuổi, nhiều người không còn nữa. MPSplex với số lượng rất lớn chỉ thị phân tử SNP (hơn 1400), hoạt động thông lượng cao trên những hệ thống tự động, kỳ vọng tiềm năng trong việc định danh hài cốt liệt sĩ Việt Nam ở quy mô lớn.
Ðược biết, quá trình nghiên cứu thử nghiệm đã thu về một số kết quả bước đầu. Sắp tới, Trung tâm Giám định ADN sẽ tiến hành thử nghiệm một số quy trình tách chiết ADN tại phòng thí nghiệm của Trung tâm với sự hỗ trợ về thiết bị, máy móc, hóa chất và vật tư từ Ủy ban quốc tế về tìm kiếm người mất tích để có những đánh giá ban đầu về hiệu quả và khả năng ứng dụng của những quy trình này tại Việt Nam. Việc thử nghiệm công nghệ tách chiết ADN và giải trình tự gien sẽ được tiến hành theo nhiều giai đoạn trong vòng hai năm, kể từ tháng 7/2023.
Ðây là những công nghệ mới, hiện đại, đòi hỏi hệ thống máy móc, hóa chất, vật tư tiên tiến, quy trình giám định bao gồm nhiều bước với các thao tác kỹ thuật cần độ chính xác cao, do đó yêu cầu các cán bộ giám định có năng lực, giàu kinh nghiệm. Cùng với việc ứng dụng công nghệ mới trong giám định hài cốt liệt sĩ, các nhà khoa học cũng cho rằng, cần sớm khắc phục sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu tập trung. Hiện tại, các đơn vị giám định tại Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh đối khớp 1-1 giữa hồ sơ ADN ty thể của mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ trong từng trường hợp cụ thể. Ðể định danh hài cốt liệt sĩ quy mô lớn, không chỉ cần xây dựng cơ sở dữ liệu để lưu trữ và khai thác dữ liệu ADN ty thể mà còn cả dữ liệu ADN nhân. Bên cạnh đó, cần xây dựng kịp thời dữ liệu về thân nhân liệt sĩ để phục vụ việc so khớp thông tin giám định hiệu quả.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-moi-trong-dinh-danh-hai-cot-liet-si-post764750.html